Ngày 10/1, chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay lên ngành năng lượng Nga, bao gồm cả ngành dầu mỏ, nhằm cắt đứt nguồn tài chính của Moscow cho cuộc chiến tại Ukraine.
Quyết định này được đưa ra chỉ hơn một tuần trước khi Tổng thống Biden rời nhiệm sở, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các biện pháp này cũng có khả năng khiến các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng lo ngại.
Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào “nguồn thu lớn nhất của Điện Kremlin”, bao gồm hai công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng gần 200 tàu chở dầu bị cáo buộc thuộc “hạm đội ngầm” trốn tránh trừng phạt.
“Một khi thực thi, chúng tôi kỳ vọng các biện pháp này sẽ khiến Nga tổn thất hàng tỷ USD mỗi tháng”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết.
Các biện pháp trừng phạt này, được thực hiện phối hợp với Vương quốc Anh, nằm trong chiến lược rộng hơn của chính quyền Biden nhằm củng cố vị thế của Kyiv.
Song song với việc áp đặt trừng phạt, chính quyền Biden cũng công bố gói viện trợ quân sự cuối cùng trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Lầu Năm Góc cho biết sẽ chuyển giao khoảng “dưới 4 tỷ USD” cho chính quyền Trump để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Tuần trước, ông Trump nhắc lại mong muốn chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, tuyên bố rằng Tổng thống Putin “muốn gặp, và chúng tôi đang lên kế hoạch”.
Một quan chức cấp cao thừa nhận rằng quyền quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ của ông Trump, bao gồm việc “khi nào và với điều kiện gì họ có thể dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà chúng tôi đã áp đặt”.
Các biện pháp trừng phạt mới không bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào các quốc gia cụ thể, theo các quan chức Mỹ. Các quan chức Mỹ giải thích rằng họ chờ đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ để áp đặt lệnh trừng phạt một phần do lo ngại về thị trường dầu mỏ toàn cầu và tác động tiềm tàng đến nền kinh tế Mỹ.
Phản ứng của Nga
Đáp lại các biện pháp trừng phạt mới, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Moscow khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các dự án dầu khí lớn, đồng thời xây dựng chiến lược chính sách đối ngoại mới để đối phó với những “hành động thù địch” từ Washington.
Đồng thời, nước này chỉ trích các biện pháp này là “sự thao túng” do “những kẻ bài Nga ở phương Tây” thúc đẩy, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của họ trên thị trường nhiên liệu toàn cầu.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ủng hộ các biện pháp trừng phạt và cho rằng các biện pháp này sẽ “giáng một đòn nặng nề” vào Moscow. “Doanh thu từ dầu mỏ của Nga càng giảm, hòa bình sẽ càng sớm được thiết lập”, ông nói.
Chính quyền Biden cho biết các biện pháp này nhằm tăng cường vị thế của Kyiv cũng như trao cho chính quyền Trump sắp tới lợi thế trong các cuộc đàm phán tiềm năng nhằm chấm dứt chiến tranh.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp đặt trừng phạt để tránh gây tác động tiêu cực lên thị trường dầu toàn cầu và nền kinh tế Mỹ.
Hiện nay, thị trường dầu và kinh tế Mỹ đang ở vị thế ổn định hơn so với giai đoạn đầu của cuộc chiến. Giá dầu đã tăng nhẹ vào sáng thứ Sáu ngay trước khi công bố các biện pháp trừng phạt, với dầu thô Mỹ tăng 4% lên gần 77 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,7% lên khoảng 80 USD/thùng.
Theo CNN, Fox News