spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếMỹ vào cuộc sau khi bị chê chậm phản ứng với cuộc...

Mỹ vào cuộc sau khi bị chê chậm phản ứng với cuộc khủng hoảng động đất Myanmar

Mỹ thông báo đã cử một đội cứu trợ đến Myanmar để hỗ trợ nỗ lực cứu hộ sau trận động đất khủng khiếp, đồng thời gạt bỏ những chê trách về tốc độ phản ứng sau khi Tổng thống Donald Trump giải thể cơ quan viện trợ chính của Mỹ ở nước ngoài.
Mỹ vào cuộc sau khi bị chê chậm phản ứng với cuộc khủng hoảng động đất Myanmar ảnh 1
Đội cứu hộ tìm kiếm ở hiện trường vụ sập toà nhà Sky Villa ở Mandalay, Myanmar, ngày 30/3. (Ảnh: AP)

Mỹ đã công bố khoản hỗ trợ 2 triệu USD dành cho các tổ chức cứu trợ đang hoạt động tại Myanmar, nơi số người thiệt mạng do trận động đất đã vượt quá 2.000 người.

“Một đội cứu trợ nhân đạo của Mỹ tại khu vực đang di chuyển đến Myanmar để xác định nhu cầu cấp bách nhất của người dân, bao gồm nơi ở khẩn cấp, lương thực, nhu cầu y tế và nước sạch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tammy Bruce nói với các phóng viên ngày 31/3.

Trận động đất khủng khiếp tấn công Myanmar và Thái Lan hôm 28/3, cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố chính thức giải thể Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID), cho rằng “những lợi ích đạt được quá ít so với chi phí quá cao”.

Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã nhanh chóng gửi đội cứu trợ đến Myanmar.

Trước đây, Mỹ luôn triển khai các đội cứu hộ và cứu trợ nhanh chóng trên khắp thế giới, để ứng phó với các trận động đất và thiên tai, dưới sự điều phối của USAID.

Khi được hỏi liệu phản ứng của Mỹ có chậm hơn bình thường hay không, bà Bruce khẳng định: “Tôi bác bỏ ý kiến cho rằng điều này là do việc cắt giảm USAID và nguồn tài trợ liên quan. Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tình hình hiện nay”.

Bà không giải thích thêm, nhưng cho biết Mỹ “cuối cùng” đã nhận được đề nghị chính thức từ Myanmar, quốc gia đang bị Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt liên quan đến đảo chính.

Bà Bruce cho biết, khoản viện trợ 2 triệu USD sẽ được gửi trực tiếp đến các tổ chức cứu trợ ở hiện trường.

Năm 2008, khi Myanmar cũng do quân đội quản lý và bị một trận bão kinh hoàng tấn công, quân đội Mỹ đưa 500 tấn hàng cứu trợ đến nước này bằng đường hàng không.

Chính quyền quân sự Myanmar hiện nay có quan hệ thân cận với Trung Quốc. Trong nhiều năm, Mỹ tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar khi nước này chuyển đổi sang dân chủ. Tuy nhiên, quá trình đó đã chấm dứt sau cuộc đảo chính năm 2021.

Sau khi trận động đất vừa qua xảy ra, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ. Tuy nhiên, 4 ngày sau đội cứu trợ mới được triển khai.

Trong khi đó, Trung Quốc đã hành động nhanh chóng, điều các đội cứu hộ và y tế đến khu vực bị ảnh hưởng ngay lập tức và cam kết viện trợ hơn 13,8 triệu USD.

Tình hình thay đổi

Phản ứng quốc tế đối với trận động đất ở Myanmar cho thấy tình hình viện trợ ở Đông Nam Á đã thay đổi đáng kể sau khi USAID bị giải thể.

Trong nhiều năm, USAID đóng vai trò như một công cụ chiến lược giúp Mỹ bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài, đặc biệt ở Đông Nam Á. Các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump đã từ bỏ một trong những công cụ xây dựng quyền lực mềm mạnh nhất, mở đường cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Trước khi USAID bị giải thể, một nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore chỉ ra rằng nhiều người Đông Nam Á ngày càng nghi ngờ vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ ở khu vực.

Trong 10 năm qua, Mỹ đã viện trợ hơn 1,5 tỷ USD cho khu vực này, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Phần lớn số tiền này dành cho Myanmar và Thái Lan, nơi hàng trăm nghìn người tị nạn Myanmar đang tìm nơi trú ẩn để tránh cuộc nội chiến kéo dài.

Tuy nhiên, nếu chính sách không thay đổi, dự kiến 259 triệu USD viện trợ nhân đạo dành cho Myanmar sẽ bị cắt giảm trong năm 2025.

Việc Trung Quốc phản ứng nhanh chóng với trận động đất ở Myanmar cho thấy Bắc Kinh có thể sẵn sàng lấp vào chỗ trống.

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ ngừng tài trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn ở Campuchia, Trung Quốc công bố khoản viện trợ 4,4 triệu USD để hỗ trợ các tổ chức dọn sạch bom mìn từ những năm 1970.

Trung Quốc cũng công bố một dự án hợp tác với UNICEF và Campuchia nhằm cải thiện giáo dục và y tế cho trẻ em, vào thời điểm chỉ 1 tuần sau khi Mỹ hủy bỏ các chương trình tương tự.

>> Lực lượng Bộ Công an cắt bê tông, lật tìm bé trai bị vùi lấp ở Myanmar

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật