Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 đã ra tuyên bố chung về việc giảm mạnh các mức thuế áp đặt trước đó. Washington đồng ý hạ mức thuế từ 145% xuống còn 30% đối với hàng hóa Trung Quốc trong vòng 90 ngày, trong khi Bắc Kinh cũng giảm thuế xuống còn 10% với phần lớn hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Động thái này vượt ngoài kỳ vọng của giới quan sát Trung Quốc, ngay lập tức đẩy đồng USD và thị trường chứng khoán toàn cầu tăng vọt – mang lại sự “giải vây” cần thiết cho ông Trump trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu gia tăng. Cổ phiếu Trung Quốc cũng phản ứng tích cực.
Được biết, thỏa thuận mới đã đáp ứng gần như toàn bộ các yêu cầu cốt lõi của Bắc Kinh. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng giảm vĩnh viễn thuế đối ứng đang áp lên nhau từ 125% xuống còn 34%. Về phần thuế 34% còn lại, trong 90 ngày tới, hai bên tạm đình chỉ thêm 24%. Vì thế, về cơ bản trước mắt, thuế đối ứng Mỹ – Trung áp vào nhau sẽ chỉ còn 10%.
Cần lưu ý, chính quyền ông Trump hồi đầu nhiệm kỳ đã áp sẵn 20% thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và khoản thuế này không được thay đổi sau buổi đàm phán mới. Theo đó, tổng thuế quan thực tế Washington tạm áp lên Bắc Kinh là 30%.
Đáng chú ý, một trong các yêu cầu lớn của Trung Quốc – đề nghị Mỹ chỉ định một đại diện chính thức cho đàm phán – cũng đã được đáp ứng với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đảm nhiệm vai trò điều phối viên. Hai bên cũng cam kết “hành động mạnh mẽ” để chặn đứng dòng chảy fentanyl, có thể dẫn đến việc xóa bỏ thêm mức thuế 20% hiện tại.
“Đây có thể coi là kết quả tốt nhất mà Trung Quốc có thể kỳ vọng – Mỹ đã lùi bước. Trung Quốc giờ có cơ sở để tin rằng họ có lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai”, Trey McArver, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China nhận định.

Kể từ khi ông Donald Trump bắt đầu áp thuế ở mức cao kỷ lục, Trung Quốc vẫn từ chối mọi lời đề nghị điện đàm từ Nhà Trắng – trái ngược với phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới khác. Trong khi Washington gây sức ép bằng thuế, Bắc Kinh lại giảm lãi suất và thực hiện một chiến dịch ngoại giao quy mô nhằm mở rộng thị trường mới.
Dù chịu một số tác động kinh tế như sản xuất công nghiệp sụt giảm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn nhận được làn sóng ủng hộ mang tính dân tộc mạnh mẽ trong nước, cổ vũ ông giữ vững lập trường.
Phát biểu trong buổi họp báo hôm 12/5, ông Trump cho biết có thể sẽ điện đàm với ông Tập trong tuần này, đồng thời mô tả thỏa thuận là một “cú thiết lập lại hoàn toàn” quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh một số lĩnh vực như ô tô, thép, nhôm và dược phẩm vẫn chưa nằm trong phạm vi giảm thuế. Bộ trưởng Bessent cũng khẳng định Mỹ không muốn “tách rời toàn diện” mà chỉ muốn bảo vệ các lĩnh vực chiến lược như thép, thuốc và chip bán dẫn.
“Quan hệ với Trung Quốc đang rất tốt. Chúng tôi không muốn làm tổn thương họ. Nhưng họ đã bị tổn thương nhiều. Họ đóng cửa nhà máy, chịu nhiều bất ổn và rất vui khi đạt được điều gì đó với chúng tôi”, ông Trump nói.
Việc chọn Geneva làm nơi đàm phán cho thấy Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ phần nào. Đây là địa điểm ưa thích của Bắc Kinh cho các cuộc đối thoại mang tính thực chất.
Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng He Lifeng cùng đội ngũ đã đồng ý rút lại một số biện pháp “phi thuế quan” kể từ ngày Quốc khánh, dù không công bố chi tiết. Mỹ cũng đạt được cam kết về việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, vốn là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp công nghệ cao.
Trung Quốc chưa cam kết tăng đầu tư từ Mỹ, và phía Washington cũng cho biết các thỏa thuận mua hàng có thể được bàn sau. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhấn mạnh thỏa thuận hiện tại không liên quan gì đến “giai đoạn một” trong chiến tranh thương mại trước đó – vốn từng buộc Trung Quốc phải mua thêm 200 tỷ USD hàng Mỹ.
“Trọng tâm của đàm phán lần này là đưa mức thuế về ngưỡng không còn mang tính trừng phạt, nhưng vẫn cho phép Mỹ tiếp tục mục tiêu giảm thâm hụt thương mại”, Greer nói.
Trung Quốc giờ có ba tháng để đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn với Mỹ – vừa cân bằng thương mại, vừa giữ vững lợi ích chiến lược. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã chủ động giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu nông sản từ các đối tác như Brazil.
Việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Ngân hàng ING đã nâng dự báo GDP Trung Quốc lên 4,7%, dự đoán xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 5 và 6 sẽ bật tăng mạnh.
>> Đồng loạt hạ thuế, Trung Quốc tuyên bố thỏa thuận thương mại với Mỹ là một chiến thắng lớn