Đồng tiền này nối dài đà tăng từ phiên cuối tuần trước, chạm mức cao nhất trong vòng ba năm. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của đồng TWD lại gây áp lực lên cổ phiếu của các tập đoàn xuất khẩu lớn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), khi nhà đầu tư lo ngại tỷ giá bất lợi sẽ làm giảm lợi nhuận xuất khẩu. Cổ phiếu TSMC đã giảm trở lại sau khi tăng 7% trong tuần trước.

Cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ của hòn đảo đã tổ chức họp báo khẩn vào lúc 16h30 (giờ Đài Bắc) nhằm giải trình về biến động bất thường của thị trường. Cuộc họp do Thống đốc Dương Kim Long (Yang Chin-long) chủ trì.
Giao dịch náo nhiệt, ngân hàng quá tải
Lượng giao dịch USD/TWD tại Đài Bắc trong sáng thứ Hai đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một số ngân hàng lớn như Cathay United Bank phải kích hoạt hệ thống xếp hàng ảo để “duy trì sự ổn định của hệ thống” do số lượng khách hàng truy cập quá tải.
Dù tỷ giá tăng mạnh, giới quan sát ghi nhận chính quyền chưa có động thái can thiệp mạnh mẽ như thông lệ, làm dấy lên đồn đoán rằng nhà chức trách đang để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách tỷ giá theo hướng hỗ trợ đàm phán thương mại với Mỹ.
“Giới xuất khẩu đang hoảng loạn, trong khi các công ty bảo hiểm nhân thọ chưa có đủ biện pháp phòng hộ. Dòng vốn liên quan đến cổ phiếu cũng đã ngừng chảy ra,” chuyên gia Ju Wang của BNP Paribas tại Hồng Kông nhận định. Giới đầu tư đồn đoán rằng việc nâng giá TWD là một phần trong chiến lược thương lượng thương mại.”
Đồng TWD có thể là “lá bài” đàm phán thương mại
Một số ý kiến cho rằng việc để đồng tiền tăng giá có thể là động thái thiện chí từ phía Đài Loan nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán với Mỹ. Hôm thứ Bảy, chính quyền Đài Loan xác nhận đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 1/5, nhưng chưa tiết lộ nội dung chi tiết.
Đà tăng của đồng TWD cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều đồng tiền châu Á khác lên giá do đồng USD suy yếu, khi giới đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại do cựu Tổng thống Donald Trump phát động đang gây tổn hại đến kinh tế Mỹ.
TWD từng chạm mức 29,59 đổi 1 USD trong phiên, trước khi điều chỉnh nhẹ về quanh mức 29,96 – vẫn cao hơn 3,7% so với ngày hôm trước. Đây là mức tăng nội ngày mạnh nhất kể từ năm 1988. Trong vòng một tháng qua, đồng tiền này đã tăng tổng cộng hơn 10%.
Khối bảo hiểm “thấp thỏm” vì nợ USD
Các chiến lược gia cho rằng, đà tăng mạnh gần đây phần nào đến từ động thái phòng ngừa rủi ro của các công ty bảo hiểm nhân thọ, khi danh mục trái phiếu bằng USD của họ đang chịu áp lực lớn do thiếu các biện pháp bảo hiểm tỷ giá.
Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan cho thấy các công ty bảo hiểm đang nắm giữ khoảng 575 tỷ Đài tệ (NT$) trái phiếu Kho bạc Mỹ. “Hai phiên vừa qua là chưa từng có tiền lệ. Với các tổ chức nắm giữ USD mà không có phòng hộ, đó là một cú sốc lớn”, nhà giao dịch Mingze Wu tại Stonex Singapore nhận định.
Một câu hỏi lớn hiện nay là Đài Loan sẽ làm gì tiếp theo. Thông thường, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ sẽ can thiệp để hạn chế biến động quá lớn. Tuy nhiên, việc chưa thấy hành động rõ ràng từ nhà chức trách đang làm gia tăng kỳ vọng về một sự điều chỉnh chính sách cho phép đồng TWD tăng giá.
“Việc tạm thời chấp nhận đà tăng của đồng TWD có thể là dấu hiệu cho thấy Đài Loan đang tính toán lại chính sách tỷ giá,” chuyên gia Christopher Wong từ OCBC Bank nhận định. “Việc để thị trường quyết định nhiều hơn trước thềm đàm phán có thể là chiến lược có lợi.”
Đài Loan hiện nằm trong “danh sách theo dõi” của Bộ Tài chính Mỹ về các hoạt động thao túng tỷ giá. Một đồng TWD mạnh hơn có thể được xem là “cành ô liu” đưa ra trong quá trình thương lượng.
“Để đồng nội tệ tăng giá có thể là lựa chọn hợp lý nhất hiện nay cho nền kinh tế Đài Loan,” chuyên gia kinh tế Woods Chen của Yuanta Securities kết luận.