Chính phủ Indonesia đang xem xét mua lượng lớn thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất như một phần trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại và ngăn chặn các kế hoạch áp thuế từ Tổng thống Donald Trump.
Ngày 8/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sjafrie Sjamsoeddin đã tổ chức một cuộc họp kín với các quan chức cấp cao để truyền đạt chỉ đạo từ Tổng thống Prabowo Subianto.

Theo đó, ông yêu cầu rà soát các loại vũ khí Mỹ có thể nhập khẩu hoặc đẩy nhanh tiến độ mua sắm, theo nguồn tin thân cận với cuộc họp. Một trong những phương án được cân nhắc là khôi phục kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu F-15EX của Boeing, thỏa thuận sơ bộ đã được Prabowo xúc tiến vào năm 2023 khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hợp đồng chính thức nào được ký kết.
Việc đặt mua các máy bay chiến đấu của Mỹ có thể gặp khó khăn do hạn chế ngân sách và chủ trương cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Một chuyên gia trong ngành ước tính thương vụ F-15EX có thể tiêu tốn hơn 8 tỷ USD. Trước đó, Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 42 máy bay Rafale của Pháp trị giá 8,1 tỷ USD vào năm 2022.
Các đề xuất mua vũ khí Mỹ hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận và có thể trở thành một phần trong gói hợp tác lớn hơn mà phái đoàn Indonesia mang theo trong chuyến thăm Washington tuần này. Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế Indonesia hiện chưa đưa ra bình luận chính thức.
Năm ngoái, Indonesia chi khoảng 8,2 tỷ USD cho quốc phòng, trong đó hơn 1/4 dành để hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nước này còn có chương trình vay vốn nước ngoài để mua các khí tài lớn như máy bay chiến đấu, với ngân sách dự kiến lên tới 25 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm đến hết 2024.
“Quá trình mua sắm F-15 rất phức tạp”, ông Khairul Fahmi, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Indonesia, nhận xét. “Về mặt chính trị, đây là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao quốc phòng của Indonesia, đặc biệt khi chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế”. Tuy nhiên, ông cảnh báo cần thận trọng do tình hình tài chính đang thắt chặt.
Tổng thống Prabowo đang chịu áp lực lớn khi phải tìm cách giảm thiểu tác động từ mức thuế 32% mà ông Trump đề xuất áp lên hàng xuất khẩu Indonesia sang Mỹ. Mức thuế này hiện được tạm hoãn đến tháng 7.
Năm ngoái, Indonesia đạt thặng dư thương mại 18 tỷ USD với Mỹ, chủ yếu nhờ xuất khẩu dệt may, giày dép và dầu cọ.

Các chính sách mới của Prabowo kể từ khi nhậm chức vào tháng 10 đã làm dấy lên lo ngại từ giới đầu tư về triển vọng kinh tế và khả năng kiểm soát thâm hụt ngân sách. Thị trường chứng khoán Indonesia sụt giảm trong tháng trước, ngay cả trước khi Trump công bố kế hoạch thuế. Đồng rupiah hiện là đồng tiền mất giá mạnh nhất châu Á so với USD trong năm nay.
Jakarta cũng đang xem xét mua thêm đạn dược và tên lửa do Mỹ sản xuất. Theo một nguồn tin, việc mua sắm này không chỉ giúp hiện đại hóa quân đội mà còn là động thái nhằm thúc đẩy Washington xem xét lại kế hoạch áp thuế.
Cùng ngày ra chỉ đạo về quốc phòng, Tổng thống Prabowo cũng có bài phát biểu trước giới doanh nghiệp nhằm trấn an về chính sách kinh tế. Ông cho biết sẽ tập trung vào đàm phán với Mỹ để mua thêm hàng hóa từ nước này và gỡ bỏ các rào cản phi thuế, ví dụ như quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng linh kiện nội địa tại Indonesia.
Tại Washington, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết Indonesia kỳ vọng đàm phán thành công để giảm thuế với 20 mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong vòng 60 ngày tới. Đổi lại, Indonesia đề xuất hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược và đơn giản hóa quy trình nhập khẩu nông sản Mỹ.
Trong khi đó, đại diện Boeing tại Jakarta cho biết công ty đang “tiến rất gần” đến việc đạt được cam kết mua F-15EX từ phía Indonesia.
Prabowo, một cựu tướng quân đội, từng đóng vai trò chủ chốt trong các thương vụ vũ khí dưới thời Tổng thống Joko Widodo. Ông từng hủy các thỏa thuận mua vũ khí từ Trung Quốc và Nga trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump nhằm tránh bị Mỹ trừng phạt.
Dù theo đuổi chính sách không liên kết, Prabowo vẫn đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với nhiều nước để tránh phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào. Gần đây, ông cũng bày tỏ sự quan tâm đến các chương trình phát triển máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ.