Chật vật vì xăng và đồ ăn tăng giá nhưng thu nhập lại giảm
Thời tiết oi bức và giao thông dày đặc ở Bangkok đã buộc người dân thủ đô Thái Lan phải dựa vào xe ôm làm phương tiện di chuyển vì chúng nhanh và rẻ. Đó cũng chính là cách mà ông Somsak Benjawan, một tài xế xe ôm 48 tuổi, đã mưu sinh suốt nhiều năm qua.
Thế nhưng, dù xe ôm vẫn được ưa chuộng, ông Somsak cho biết giờ đây việc kiếm sống trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
“Trước Covid-19, mỗi ngày tôi có thể kiếm hơn 500 baht (gần 400.000 đồng), thậm chí cả nghìn baht nếu gặp ngày tốt. Còn bây giờ ư? Có khi chỉ được vài trăm baht nếu may mắn”, ông Somsak nói khi đang lau mồ hôi trên trán tại điểm chờ gần một nhà ga tàu điện trên cao (nhà ga BTS).
“Xăng tăng giá, đồ ăn tăng giá, nhưng giá cước thì vẫn vậy. Nếu tăng giá thì người ta thà đi bộ còn hơn”, tài xế xe ôm này nói thêm.
Ông Somsak cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các ứng dụng gọi xe và các phương tiện khác trong thành phố.
“Bây giờ có tài xế Grab, có tàu điện, còn tụi tôi thì mắc kẹt với cái này. Tôi chỉ mong giá xăng rẻ hơn và có một con đường nào đó để nghỉ hưu”.
>> Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á ôm núi nợ hơn 700.000 tỷ đồng

Những lời tâm sự của tầng lớp lao động thu nhập thấp, sống dựa vào tiền công hàng ngày như ông Somsak phần nào phản ánh bức tranh của Thái Lan – một đất nước đang vật lộn với khó khăn cả trong lẫn ngoài nước dù đây là nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á (chỉ xếp sau Indonesia).
Theo dự báo kinh tế cho nửa cuối năm 2025 vừa được công bố trong tháng này bởi nhóm ba bên gồm Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan và Phòng Thương mại Thái Lan, thương mại toàn cầu và căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng nặng nề tới xuất khẩu của “xứ sở Chùa Vàng”, từ đó tác động đến việc làm và chuỗi cung ứng.
Ba cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm nay sẽ dưới 2% sau khi bị ảnh hưởng bởi thuế quan từ Mỹ theo chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Lượng khách du lịch Trung Quốc giảm cũng sẽ làm chậm lại toàn ngành du lịch trong năm nay. Theo báo cáo, tình trạng bất ổn chính trị có thể tác động đến ngân sách tài khóa năm 2026.
Nỗi lo hiện hữu khắp nơi
Những bất ổn trên không nằm ngoài mối quan tâm của người dân Thái Lan, bất kể nghề nghiệp hay thu nhập.
Bà Suwanna Mekprasert, 56 tuổi, bán đồ ăn đường phố cho biết cuộc sống của mình ngày càng bấp bênh.
Xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia luôn ám ảnh tâm trí người phụ nữ này. “Tôi chỉ mong mình không phải đối mặt với tất cả những chuyện đó”, bà Suwanna nói. Hiện tại, bà đã có quá nhiều chuyện để lo.
“Thịt lợn giờ đắt quá. Có lúc tôi phải cho ít thịt lại, nhưng khách phát hiện ra liền”, bà cười gượng gạo nói. “Tôi không muốn gian dối, nhưng tôi còn phải trả tiền hóa đơn và học phí cho cháu nội”.

Tại một khu chợ lâu đời ở Bangkok, anh A, 38 tuổi (tên đầy đủ không được tiết lộ), một người bán quần áo, nói: “Du lịch giúp ích được chút ít, nhưng người dân địa phương không mua sắm nhiều. Ai cũng đang tiết kiệm”.
>> Thái Lan nuôi tham vọng thành trung tâm LNG của châu Á, bị cảnh báo phải ‘vượt ngàn chông gai’
Sự cạnh tranh từ các cửa hàng trực tuyến và phí thuê gian hàng tăng cao đang làm giảm bớt lợi nhuận ít ỏi anh kiếm được. Nam tiểu thương này cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào lãnh đạo đất nước của mình.
Tại một tòa nhà văn phòng bình dân trong thành phố Bangkok, cô Thida Suwannasri, 29 tuổi, nhân viên văn phòng đang cắm cúi gõ máy tính không ngừng, lo lắng về tiền thuê nhà tháng sau.
“Lương tôi gần như không tăng trong 2 năm qua. Nhưng tiền thuê, đồ ăn và mọi thứ khác thì đều tăng”, cô nói. “Thật mệt mỏi khi chỉ cố gắng để tồn tại.”
Cô Thida cho biết mình gần như không còn cảm giác là một người trẻ đang xây dựng tương lai ổn định nữa.
Tại một cửa hàng sửa điện tử nhỏ, ông Chatchai Boonrawd, 51 tuổi, đang lướt điện thoại trong lúc chờ khách ghé tiệm.
“Doanh số chậm lắm. Ai cũng tìm cách sửa điện thoại cũ thay vì mua cái mới”, ông nói.
Giấc mơ mở cửa hàng trực tuyến nhỏ của ông cũng đã bị gác lại vì phí vận chuyển cao và chiết khấu lớn từ các nền tảng kỹ thuật số.
“Hãy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Đừng chỉ ưu tiên các trung tâm thương mại lớn hay các chuỗi cửa hàng, chưa kể những doanh nghiệp lớn có tên tuổi. Đó chính là cách xây dựng đất nước”, ông nói.
Ông Chatchai cho rằng cơ hội kinh tế và khả năng thăng tiến xã hội giờ đây không còn nữa ở Thái Lan.
“Tôi đã 55 tuổi và điều duy nhất tôi thấy là người giàu thì càng giàu thêm, còn người nghèo thì chật vật sống qua ngày”, ông nói thêm.
Theo Bangkok Post