Indonesia “chơi lớn” trên bàn đàm phán thuế quan: Tính rót 34 tỷ USD mua hàng hóa Mỹ
Nhật báo Jakarta Globe cho biết Chính phủ Indonesia đã đề xuất tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lên tới 34 tỷ USD như một phần của các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm tìm kiếm sự nới lỏng các biện pháp thuế quan do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Kinh tế của “xứ sở vạn đảo” Airlangga Hartarto hôm thứ Năm (3/7) cho biết đề xuất này bao gồm việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ mua sắm đáng kể các mặt hàng năng lượng và nông sản của Mỹ, cũng như các kế hoạch đầu tư thông qua quỹ tài sản quốc gia của Indonesia, Danantara.
“Chúng tôi đã thảo luận về kế hoạch Indonesia mua các sản phẩm năng lượng của Mỹ, với tổng giá trị tiềm năng lên tới 15,5 tỷ USD”, ông Airlangga nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Jakarta.
Kế hoạch nhập khẩu này cũng bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và gắn liền với hợp tác đầu tư thông qua các doanh nghiệp Nhà nước của Indonesia và Danantara. Theo ông Airlangga, mục tiêu là giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Indonesia, hiện đang ở mức khoảng 19 tỷ USD.
“Chúng tôi đề xuất mua hàng hóa với tổng giá trị vượt mức thâm hụt thương mại của Mỹ, tổng cộng sẽ là 34 tỷ USD so với mức thâm hụt 19 tỷ USD”, ông nói.
Indonesia hy vọng đề xuất này sẽ khuyến khích Hoa Kỳ giảm hoặc xóa bỏ các mức thuế đã được áp đặt theo chính sách thương mại của ông Trump. Hàng hóa Indonesia hiện đối mặt mức thuế 32% khi vào thị trường Mỹ.
Mặc dù chưa có thỏa thuận chính thức nào được công bố, các quan chức của Indonesia quốc gia có đến hơn 17.000 hòn đảo tin rằng quy mô của đề xuất nhập khẩu và đầu tư này có thể tạo cơ sở cho phía Mỹ xem xét thỏa thuận thuế quan một cách tích cực.
Ngoài thương mại, hai nước cũng đang xem xét tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản quan trọng như niken và đồng – những nguyên liệu thiết yếu cho chuỗi cung ứng của Mỹ trong ngành điện tử, quốc phòng và xe điện (EV).
Ông Airlangga nhấn mạnh rằng Danantara sẽ đóng vai trò chiến lược trong việc hỗ trợ các dự án đầu tư này, trong đó nhiều dự án dự kiến sẽ có sự tham gia của các đối tác Hoa Kỳ.
Ông cũng lưu ý về sự hiện diện lâu dài của Mỹ trong ngành khai thác mỏ của Indonesia thông qua Freeport Indonesia, doanh nghiệp đã hoạt động từ năm 1967. Theo ông Airlangga, hai nước hiện đang tìm cách mở rộng hợp tác này, mặc dù chi tiết các dự án cụ thể vẫn được giữ kín.
“Do thỏa thuận bảo mật giữa hai bên, tôi không thể tiết lộ thêm chi tiết”, ông nói thêm.
Giảm thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ xuống mức “gần bằng 0”, điều kiện là gì?
Hãng thông tấn Reuters cho hay Indonesia đã đề xuất giảm thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu chủ chốt từ Mỹ xuống mức “gần bằng 0” và mua lượng lúa mì trị giá 500 triệu USD từ “xứ sở cờ hoa” như một phần của các cuộc đàm phán thuế quan giữa hai nước, theo lời Trưởng đoàn đàm phán Indonesia và một hiệp hội ngành lúa mì nước này cho biết hôm thứ Sáu (4/7).
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Kinh tế Airlangga Hartarto, Trưởng đoàn đàm phán của Indonesia, cũng xác nhận rằng hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia sẽ mua thêm máy bay Boeing như một phần của thỏa thuận trị giá 34 tỷ USD với các đối tác Mỹ, dự kiến sẽ được ký kết vào tuần tới.

Ông Airlangga cho biết Chính phủ Indonesia đã đề xuất giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, từ mức hiện tại 0-5% xuống gần bằng 0%.
“Sẽ gần như bằng 0 (đối với mức thuế áp lên các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ), nhưng điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào mức thuế mà chúng tôi nhận được từ phía Mỹ”, ông Airlangga nói.
Trong khi ấy, Giám đốc điều hành (CEO) của Garuda, ông Wamildan Tsani Panjaitan cho biết hãng này đang đàm phán với “gã khổng lồ hàng không Mỹ” Boeing để mua tối đa 75 máy bay. Nhóm Garuda chưa đưa ra bình luận nào khi được yêu cầu cung cấp thông tin hôm 4/7 vừa qua.
Việc Indonesia mua lúa mì Mỹ với tổng trị giá 500 triệu USD cũng nằm trong thỏa thuận sẽ được ký kết vào tuần tới với các đối tác Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay bột lúa mì Indonesia, ông Franciscus Welirang, cho biết “các thành viên sẽ mua tổng cộng 2triệu tấn thông qua các cuộc đấu thầu với mức giá cạnh tranh”.
“Điểm mấu chốt là tất cả thành viên sẽ mua lúa mì của Mỹ”, ông Welirang, người đồng thời là Giám đốc tại Indofood, nói với Reuters.
Các đối tác Mỹ trong thỏa thuận lúa mì bao gồm Cargill, Bunge Global SA, Pacificor, Archer-Daniels-Midland, Columbia Grain International và United Grain Corporation, ông Welirang cho biết thêm.
Theo dữ liệu của Chính phủ Indonesia, các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia bao gồm đậu tương, khí đốt hóa lỏng và máy bay.
Khi được hỏi liệu những cuộc đàm phán thương mại có bao gồm các thỏa thuận quốc phòng hay không, ông Airlangga cho biết đó “không phải là một phần của đàm phán”.
Đáng chú ý, ông Susiwijono Moegiarso, một quan chức cấp cao tại Bộ Điều phối Các vấn đề Kinh tế Indonesia, nói với Reuters rằng để đổi lại, Indonesia đã yêu cầu Mỹ áp dụng mức thuế ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, bao gồm điện tử, dệt may và giày dép.
“Chúng tôi muốn họ giảm thuế các mặt hàng đó xuống mức thấp nhất có thể”, ông nói.
Theo Jakarta Globe/Reuters