Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố của phát ngôn viên Dmitry Peskov Điện Kremlin hôm 8/11, sau khi Financial Times đưa tin các tổ chức tài chính phương Tây đang hy vọng những hạn chế áp đặt đối với Nga sẽ được nới lỏng dưới thời chính quyền mới của ông Trump.
Khi được hỏi trực tiếp liệu Điện Kremlin có kỳ vọng vào việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay không, ông Peskov nói: “Không, chúng tôi không mong đợi điều đó”.
Trước đó, Financial Times cho biết các nhà giao dịch và quản lý danh mục đầu tư phương Tây đang thảo luận về khả năng quay trở lại thị trường Nga, cũng như suy đoán về sự thay đổi tiềm tàng trong chính sách của Washington sau khi ông Trump đắc cử.
“Tất cả các cuộc thảo luận sáng nay chỉ xoay quanh cách giao dịch với Nga, và liệu lệnh trừng phạt có được dỡ bỏ hay không”, một nhà quản lý danh mục đầu tư giấu tên cho hay. Tuy nhiên, theo ông Peskov, Điện Kremlin không tin vào sự suy đoán này.
Nga vẫn là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên toàn cầu. Ông Trump cũng từng thi hành chính sách trừng phạt Nga trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Mỹ và các đồng minh đã đưa ra số lượng kỷ lục lệnh trừng phạt đối với Nga, kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Theo đó, ước tính 300 tỷ USD tài sản của Nga đã bị đóng băng. Ngoài ra, nhiều cá nhân và tổ chức Nga như trong lĩnh vực năng lượng, kim loại, khai khoáng, và tài chính cũng đã bị trừng phạt.
Moscow đã nhiều lần lên án lệnh trừng phạt là bất hợp pháp, và đáp trả bằng lệnh cấm đi lại đối với các quan chức phương Tây, cũng như cảnh báo về các biện pháp hạn chế tương tự.
Tuy nhiên, một số chính trị gia và nhà ngoại giao cấp cao phương Tây thừa nhận các lệnh trừng phạt chống lại Nga là không hiệu quả, và phạm vi áp dụng những hạn chế tiếp theo đang bị thu hẹp lại.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York hồi tháng 9, ông Trump từng bày tỏ lo ngại về tác động rộng hơn của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế toàn cầu, nhất là khả năng làm suy yếu vị thế của đồng USD như loại tiền tệ dự trữ của thế giới.