spot_img
17 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNgành sản xuất chế tạo của châu Á có dấu hiệu phục...

Ngành sản xuất chế tạo của châu Á có dấu hiệu phục hồi

Các nhà máy ở khu vực châu Á, bao gồm cả ở Trung Quốc, đã bước đầu phục hồi hoạt động trong tháng 8, đặc biệt là các nhà sản xuất chip được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường vững chắc.
Công nhân làm việc trong một nhà máy in và đóng gói ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc trong một nhà máy in và đóng gói ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nhận định trên của Reuters dựa trên các kết quả khảo sát lĩnh vực sản xuất chế tạo của một số nền kinh tế dẫn đầu khu vực. Tuy nhiên, những trở ngại kinh tế vẫn hiện hữu.

Các nhà phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng chậm lại của Mỹ, có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng này và sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đang làm lu mờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, kết quả khảo sát tư nhân do S&P Global công bố sáng 2/9 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã tăng lên 50,4 điểm trong tháng 8, từ mức 49,8 vào tháng 7. Kết quả này vượt dự báo của các nhà phân tích, đồng thời vượt mốc 50 điểm – mức điểm phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm của một ngành/lĩnh vực được khảo sát.

Chỉ số PMI Caixin lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc chủ yếu khảo sát các công ty có quy mô nhỏ và hướng đến xuất khẩu. Kết quả tháng 8 lạc quan hơn so với kết quả khảo sát PMI chính thức được công bố vào cuối tuần trước khi nó chỉ ra rằng hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc tiếp tục suy giảm trong tháng 8.

Hoạt động sản xuất chế tạo tại Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận tăng trưởng trong tháng 8, trong khi Nhật Bản chứng kiến tốc độ suy giảm chậm hơn một phần do nhu cầu toàn cầu vững chắc đối với chất bán dẫn.

Các nhà sản xuất Nhật Bản cũng hưởng lợi từ sự phục hồi sản lượng ô tô sau vụ bê bối an toàn khiến một số nhà máy phải tạm dừng sản xuất.

Tuy nhiên, kết quả các cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng hoạt động sản xuất chế tạo ở Malaysia và Indonesia đã suy giảm, điều này phản ánh tác động mà một số nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại.

Đơn cử tại Malaysia, chỉ số PMI đạt 49,7 điểm trong tháng 8, không đổi so với tháng trước đó, trong khi chỉ số PMI của Indonesia giảm xuống 48,9 điểm, từ mức 49,3 vào tháng 7.

“Các quốc gia sản xuất chip đang hoạt động khá tốt, nhưng sự suy thoái của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của châu Á trong một thời gian khá dài”, ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cảnh báo.

“Nhu cầu chậm lại của Mỹ có thể làm tăng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế châu Á, nhiều nền kinh tế trong số đó đã cảnh giác với hậu quả từ tình hình tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc”, ông Nishihama cho biết.

Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo sau cùng của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã tăng lên 49,8 điểm trong tháng 8, đánh dấu mức giảm trong tháng thứ hai liên tiếp nhưng không quá mạnh so với tháng 7 khi chỉ số này chỉ đạt 49,1 điểm.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc đạt 51,9 điểm trong tháng 8, tăng từ 51,4 vào tháng 7, một phần là do niềm tin mạnh mẽ của khách hàng và các đơn đặt hàng mới ở thị trường trong nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán các nền kinh tế châu Á sẽ “hạ cánh mềm” khi lạm phát giảm bớt tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. IMF dự đoán tăng trưởng của khu vực này sẽ chậm lại, từ mức 5% vào năm 2023 xuống còn 4,5% trong năm nay và 4,3% vào năm tới.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật