Nhà Trắng vừa thông báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp dụng một loạt thuế quan mới vào ngày 2/4 theo giờ Mỹ, có hiệu lực ngay lập tức. Động thái này nằm trong kế hoạch đánh thuế đối ứng nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ, nhằm điều chỉnh cán cân thương mại mà ông Trump cho là bất lợi với Washington.

Mặc dù phạm vi và quy mô của thuế đối ứng vẫn chưa được tiết lộ, các chuyên gia nhận định nếu áp dụng rộng rãi với tất cả đối tác thương mại, chính sách này có thể tạo ra cú sốc lớn đối với kinh tế toàn cầu và làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại quốc tế.
Bên cạnh thuế đối ứng, từ ngày 3/4, Mỹ cũng sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu. Chính sách này được dự đoán sẽ gây ra những tác động đáng kể, không chỉ đối với ngành công nghiệp ô tô mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ nói chung.
Theo ước tính từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), việc Mỹ triển khai thuế quan đối ứng trên diện rộng, kết hợp với mức thuế 20% đối với hàng hóa Trung Quốc và 25% với nhôm thép, có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,6% vào năm 2027.
Con số này tương đương với thiệt hại khoảng 763 tỷ USD, dựa trên dự báo GDP toàn cầu năm 2027 đạt 127 nghìn tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Riêng Mỹ có thể chịu tổn thất lớn nhất, với mức giảm GDP dự báo lên đến 2,7%. JETRO nhận định việc chi phí nhập khẩu tăng sẽ làm suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Mặt khác, thuế ô tô có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ do giá xe tăng cao, kéo theo sự sụt giảm trong chi tiêu cho các mặt hàng và dịch vụ khác.
Một nghiên cứu của trung tâm The Budget Lab thuộc Đại học Yale công bố vào tuần trước cho thấy riêng mức thuế đánh vào ô tô có thể khiến thu nhập khả dụng của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm từ 495 đến 615 USD mỗi năm.
Tổng thống Trump trước đó đã tuyên bố ngày 2/4 là “Ngày giải phóng”, với hàm ý rằng đây là thời điểm nước Mỹ chấm dứt tình trạng bị các nước khác “lấy mất việc làm, tài sản và nhiều thứ khác trong nhiều năm qua”. Buổi công bố thuế quan đối ứng dự kiến diễn ra tại Vườn Hồng của Nhà Trắng – nơi thường tổ chức các sự kiện quan trọng, bao gồm các cuộc họp báo chung giữa ông Trump và các lãnh đạo nước ngoài.
Theo quan điểm của ông Trump và các trợ lý, thuế đối ứng không chỉ là công cụ bảo hộ nền kinh tế Mỹ mà còn có thể thay thế thuế thu nhập như một nguồn thu chính cho ngân sách chính phủ. Cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng, ông Peter Navarro, khẳng định rằng các biện pháp thuế quan, bao gồm thuế đối ứng, sẽ đóng góp khoảng 6,000 tỷ USD vào ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm tới.
Phát biểu trước báo chí ngày 1/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, tiếp tục chỉ trích các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ và Canada. Bà nhấn mạnh: “Tổng thống Trump sẽ công bố một kế hoạch thuế quan nhằm đảo ngược các hoạt động thương mại không công bằng đã gây thiệt hại cho nước Mỹ trong nhiều thập kỷ”.
Các cố vấn của ông Trump, bao gồm cả ông Navarro, thường xuyên nhấn mạnh rằng việc tăng thuế nhập khẩu thực chất là một hình thức giảm thuế. Lập luận này được nhiều cử tri ủng hộ, khi họ tin rằng thuế quan sẽ do các công ty nước ngoài gánh chịu, thay vì ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng phải chịu tác động từ thuế quan. Khi chi phí nhập khẩu tăng, giá hàng hóa trong nước cũng bị đẩy lên cao, và cuối cùng, gánh nặng thuế quan lại đè nặng lên vai người tiêu dùng Mỹ.