Theo tờ Wall Street Journal, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện đã đạt chiều dài khoảng 37.900 km, tương đương gấp 8 lần khoảng cách giữa New York và Los Angeles. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn lên kế hoạch mở rộng thêm 30% từ nay đến năm 2025, thể hiện tham vọng không giới hạn về hạ tầng giao thông.
Một ví dụ điển hình là tuyến đường sắt cao tốc nối Thượng Hải và Hàng Châu. Dài khoảng 350km, tàu có thể đạt vận tốc lên tới 346 km/h, giúp hành khách rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 65 phút.
Trong khi đó, ở Mỹ, để đi quãng đường tương đương từ Wilmington (Delaware) tới Washington D.C. bằng tàu Amtrak, hành khách phải mất hơn 1 tiếng rưỡi, cho thấy khoảng cách rõ rệt về trình độ hạ tầng giao thông giữa hai quốc gia.

Không chỉ có tốc độ, sự phát triển hạ tầng của Trung Quốc còn khiến thế giới ngỡ ngàng bởi quy mô, tốc độ thi công và công nghệ hiện đại. Ngay cả người Mỹ cũng bày tỏ sự kinh ngạc trước những “kỳ tích kỹ thuật” mà Trung Quốc tạo nên.
Giáo sư Thomas J. Campanella, chuyên gia quy hoạch đô thị tại Đại học Cornell và từng sống ở miền đông Trung Quốc, nhận xét: “Công nghệ Trung Quốc thực sự khiến nhiều nước phải ghen tị. Người Trung Quốc dường như đang làm được điều mà Mỹ vẫn chưa thể”.
Điểm đột phá lớn nhất nằm ở việc tự động hóa quy trình xây dựng đường sắt cao tốc. Theo ông Wang Peixiong, kỹ sư trưởng Tập đoàn Cục điện khí hóa Đường sắt Trung Quốc, các công trình hiện đại đều ứng dụng robot xây dựng quy mô lớn, giúp thay thế phần lớn các công việc nặng nhọc mà trước đây chỉ con người mới có thể đảm nhận.
Đặc biệt, việc robot thi công hệ thống điện khí hóa trên cao đã trở thành cột mốc quan trọng của ngành. Để làm được điều đó, các kỹ sư Trung Quốc đã xây dựng hệ thống điều phối thông minh, kết hợp quản lý dữ liệu kỹ thuật số với cảm biến tự động để thu thập dữ liệu thời gian thực từ công trường.
Các dữ liệu sau đó được gửi về kho thông minh, nơi hệ thống sẽ tự động phân tích và điều phối vật liệu cần thiết đến nhà máy lắp ráp. Tại đây, các bộ phận như khung trụ, thanh treo, thiết bị dẫn điện được tiền chế và lắp ráp sẵn, sau đó robot sẽ nâng và đặt chúng vào đúng vị trí trên công trình.
Không chỉ dừng lại ở robot, Trung Quốc còn tích hợp hàng loạt công nghệ hiện đại vào toàn bộ hệ thống xây dựng và vận hành đường sắt cao tốc. Có thể kể đến như: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mô hình thông tin xây dựng (BIM), hệ thống thông tin địa lý (GIS) và đặc biệt là hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu do chính Trung Quốc phát triển.