spot_img
29.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ không tưởng...

Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ không tưởng rồi đổ vào Nhật Bản: Chuyện gì đang xảy ra?

Ông Mansoor Mohi-uddin, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Singapore, cho rằng làn sóng mua mạnh tài sản Nhật Bản trong tháng 4 phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước những thay đổi trong chính sách của Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang và các phát ngôn chỉ trích từ ông Trump nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.

Tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã đổ tiền mua cổ phiếu và trái phiếu Nhật Bản nhiều chưa từng có, biến Tokyo trở thành điểm đến an toàn cho dòng vốn toàn cầu. Điều này xảy ra trong lúc đồng USD suy yếu vì ảnh hưởng từ các chính sách thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành.

Theo số liệu mới từ Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư quốc tế đã mua ròng 8,2 nghìn tỷ yên (khoảng 57 tỷ USD) chứng khoán Nhật Bản. Đây là mức cao nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 2005, và cao gấp hơn ba lần mức trung bình của tháng 4 trong 20 năm qua.

Đợt mua vào chưa từng có này bao gồm 25,5 tỷ USD cổ phiếu – cao nhất kể từ tháng 4/2023 – và 31,5 tỷ USD trái phiếu dài hạn – mức cao nhất kể từ tháng 7/2022. Theo các nhà giao dịch, một phần đáng kể trong dòng tiền này đến từ các Ngân hàng Trung ương toàn cầu, thông qua hoạt động mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ không tưởng rồi đổ vào Nhật Bản: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông Yujiro Goto, chuyên gia chiến lược ngoại hối hàng đầu tại Nomura, cho biết lượng trái phiếu dài hạn được mua vào trong tháng 4 vượt xa so với các xu hướng theo mùa thông thường, đặc biệt đáng chú ý khi diễn ra cùng lúc với làn sóng mua cổ phiếu mạnh mẽ từ nước ngoài.

Ông Goto nhận định, nhà đầu tư nước ngoài có thể đang rút vốn khỏi Mỹ trong bối cảnh xu hướng “phi USD hóa” gia tăng, và Nhật Bản trở thành điểm đến hợp lý nhờ thị trường tài chính có quy mô lớn và mức độ ổn định tương đối cao.

Ông Mansoor Mohi-uddin, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Singapore, cho rằng làn sóng mua mạnh tài sản Nhật Bản trong tháng 4 phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước những thay đổi trong chính sách của Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang và các phát ngôn chỉ trích từ ông Trump nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.

“Có lý khi nói rằng Nhật Bản đã hưởng lợi từ xu hướng phi USD hóa trong tháng 4”, ông Mohi-uddin cho biết. “Nếu các Ngân hàng Trung ương đang tìm cách đa dạng hóa, họ sẽ tìm đến các thị trường có tính thanh khoản cao và Nhật Bản nổi bật ở khía cạnh đó”.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump đồng ý tạm hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong 90 ngày, thị trường đã có dấu hiệu ổn định trở lại. Giới quan sát hiện chưa rõ liệu cơn sốt mua tài sản Nhật Bản có tiếp diễn hay không.

Trong cuộc khảo sát mới nhất với các nhà đầu tư tổ chức do Bank of America công bố ngày 9/5, phần lớn ý kiến cho rằng các thay đổi chính sách kinh tế từ chính quyền Trump sẽ khiến Mỹ rơi vào trạng thái đình lạm. Khảo sát cũng chỉ ra vị thế bán khống đồng USD đã trở thành giao dịch phổ biến nhất trong giới quản lý quỹ sau khi ông Trump công bố chính sách thuế đối ứng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Bank of America nhận định mặc dù chính sách của ông Trump tạo ra nhiều bất ổn và khiến giới đầu tư nghi ngờ vai trò “nơi trú ẩn an toàn” của đồng USD, nhưng xét về tuyệt đối và so với các đồng tiền thay thế khả thi, vị thế của USD “vẫn vững vàng”.

Tham khảo FT

>>Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn với tốc độ ‘không tưởng’, chuyện gì đã xảy ra tại thị trường chứng khoán Đông Nam Á?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật