spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhà khoa học tiên phong về công nghệ nano rời Mỹ, chọn...

Nhà khoa học tiên phong về công nghệ nano rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Được mệnh danh là ‘Cha đẻ của máy phát điện nano’, đứng số 1 trong top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới 5 năm liên tiếp

Một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất tại Mỹ đã quyết định quay về quê hương là Trung Quốc để làm việc “toàn thời gian”.

Wang Zhonglin, nhà khoa học hàng đầu thế giới về công nghệ nano, đã quyết định chấm dứt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của mình tại Mỹ để tập trung vào nỗ lực nghiên cứu tại quê hương Trung Quốc.

Theo SCMP, Wang Zhonglin được công nhận là người có công trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng nano và được mệnh danh là “cha đẻ của máy phát điện nano”.

Công trình về thiết bị phát điện nano và hệ thống tự cung cấp điện của ông đã mở ra tiềm năng công nghệ cho các thiết bị không dây có thể tự cung cấp năng lượng mà không cần pin.

Nhiều nguồn tin truyền thông Trung Quốc, cũng như một giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia Tech – khoa của Wang từ năm 1995 – xác nhận rằng ông đã từ chức và đang làm việc “toàn thời gian” tại Bắc Kinh, ở viện nghiên cứu mà ông là một trong những người đồng thành lập.

Nhà khoa học tiên phong về công nghệ nano rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Được mệnh danh là 'Cha đẻ của máy phát điện nano', đứng số 1 trong top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới 5 năm liên tiếp - ảnh 1
Ông Wang Zhonglin. Ảnh: NanoTechNow

SCMP cho hay, ông đã lần thứ 5 liên tiếp giành vị trí top 1 trong bảng xếp hạng Stanford Elsevier năm nay. Đây là bảng xếp hạng liệt kê top 2% những nhà khoa học hàng đầu, dựa trên hơn 40 thông số đánh giá hàng triệu nhà khoa học trên toàn thế giới.

Bảng xếp hạng Stanford Elsevier mới nhất cũng đánh giá Wang cao hơn tất cả các nhà khoa học Mỹ khác về tác động tới khoa học trong suốt sự nghiệp.

Ngoài ra, ông cũng được liệt kê trong danh sách các giảng viên danh dự và đã nghỉ hưu trên trang web khoa học vật liệu và kỹ thuật của Georgia Tech.

Hồ sơ của Wang trên trang web mô tả ông là “nhà tiên phong và người dẫn đầu thế giới về khoa học cũng như công nghệ nano nhờ khả năng sáng tạo và năng lực vượt trội của mình”.

Trong thời gian làm việc tại đây, Wang đã hướng dẫn một lượng lớn các nhà khoa học trẻ, nhiều người trong số họ đã trở về làm việc tại Trung Quốc.

“Trong số những người mà ông đã dẫn dắt, 10 người trong số họ đang là giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu Mỹ, hơn 90 người là giảng viên tại Trung Quốc, 4 người ở Hàn Quốc, 1 người ở Canada và 4 người ở châu Âu”, hồ sơ của ông cho biết.

Các lĩnh vực khoa học nano và công nghệ nano đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cả Bắc Kinh và Washington vì ứng dụng rộng rãi của chúng trong năng lượng, y học và công nghiệp, cũng như công nghệ quân sự.

Cả 2 Chính phủ đều coi lĩnh vực này là ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển.

Nhà khoa học tiên phong về công nghệ nano rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Được mệnh danh là 'Cha đẻ của máy phát điện nano', đứng số 1 trong top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới 5 năm liên tiếp - ảnh 2
Ông Wang (bên phải, ngoài cùng) và một số nhà nghiên cứu khác. Ảnh: SCMP

Tiểu sử về nhà khoa học hàng đầu thế giới

Wang Zhonglin sinh năm 1961 ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc và tốt nghiệp trường Đại học Xidian ở Tây An. Ông chuyển đến Mỹ vào năm 1982 sau khi được chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế đầu tiên của Trung Quốc.

Nhà khoa học nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học bang Arizona vào năm 1987, là một trong hơn 900 sinh viên tham gia chương trình Khảo thí và Ứng dụng Vật lý Trung Quốc – Mỹ do nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa Tsung Dao Lee khởi xướng.

Vào năm 2010, Wang tham dự một hội nghị tại Trung Quốc và có cuộc gặp gỡ với Bai Chunli, khi đó là phó Chủ tịch CAS (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc). Chulin lúc đó đã hỏi Wang liệu ông có muốn dẫn đầu việc thành lập một viện nghiên cứu tập trung vào năng lượng nano và hệ thống nano không.

Theo China Science Daily, ông đã không ngần ngại mà đồng ý và đưa ra đề xuất với Georgia Tech ngay khi trở về Mỹ.

Sau khi nhận được sự chấp thuận để làm việc trong dự án tại Trung Quốc, Wang đã bắt đầu công việc ngay lập tức. Vào năm 2012, Viện Năng lượng nano và Hệ thống nano Bắc Kinh (BINN) chính thức được thành lập.

Đây hiện là một tổ chức hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực của công nghệ nano, với một số nhà khoa học của viện được xướng tên trong bảng xếp hạng năm nay của Stanford Elsevier cùng với Wang.

Trang web của viện cho thấy, tổng số nhân sự đã đạt gần 700 vào cuối năm 2022, với 30 nhóm nghiên cứu và 6 đơn vị nghiên cứu chuyên ngành lớn được thành lập.

Hội đồng BINN, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 7 để thành lập ban quản trị và ban hành điều lệ. Trong đó, Wang được bổ nhiệm làm CEO và nhà khoa học trưởng đầu tiên.

Theo SCMP

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật