spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhật Bản công bố dự án siêu băng chuyền dài 500km, thay...

Nhật Bản công bố dự án siêu băng chuyền dài 500km, thay thế 25.000 tài xế xe tải

Hệ thống giao thông “Autoflow-Road” được đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng logistics sắp xảy ra ở Nhật Bản.

SCMP đưa tin, Nhật Bản vừa công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới băng tải tự động công nghệ cao để vận chuyển hàng hóa trên quãng đường hơn 500km giữa Tokyo và Osaka.

Đây được xem như một giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng logistics sắp xảy ra tại nước này.

Mạng lưới băng tải khổng lồ được đề xuất, có tên là Autoflow-Road, sẽ sử dụng đường hầm bên dưới các đường cao tốc chính nối 2 thành phố lớn nhất của Nhật Bản, cũng như các đường ray trên mặt đất ở giữa các con đường.

Được biết đây là sáng kiến của một ủy ban thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Theo đề xuất của Bộ, tại một số khu vực, các đường ray bổ sung cũng có thể được xây dựng dọc theo lề cứng của đường cao tốc.

Nhật Bản công bố dự án siêu băng chuyền dài 500km, thay thế 25.000 tài xế xe tải
Một chiếc xe tải đang rời cảng ở Tokyo. Ảnh: AFP

Shuya Muramatsu, một quan chức cấp cao tại văn phòng nghiên cứu kinh tế đường bộ của Bộ, cho biết: “Các con đường logistics tự động được thiết kế để tận dụng tối đa không gian đường bằng cách tận dụng lề cứng, dải phân cách và đường hầm bên dưới. Nghiên cứu của chúng tôi đang xem xét tác động đến giao thông đường bộ, bao gồm cả các tuyến đường xung quanh và chi phí”.

Sáng kiến Autoflow-Road được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản và dân số già hóa nhanh chóng của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế giao hàng, với các quy định mới giới hạn thời gian làm thêm của họ mỗi tuần chỉ còn 18 giờ.

Một nghiên cứu được Viện nghiên cứu Nomura công bố đầu tháng này ước tính rằng 1,4 tỷ tấn hàng hóa sẽ được vận chuyển bằng đường bộ vào năm 2030, giảm nhẹ so với 1,43 tỷ tấn vào năm 2020.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu tài xế giao hàng ở Nhật Bản sẽ trở nên trầm trọng hơn khi lực lượng lao động dự kiến ​​giảm mạnh từ 660.000 người vào năm 2020 xuống chỉ còn 480.000 người vào năm 2030 – mức thâm hụt 36% có thể khiến ngành vận tải không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 năm.

Theo nghiên cứu, tác động sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở các vùng nông thôn. Thêm vào đó, các nhà phân tích nhận định, chi phí nhiên liệu và việc tăng lương nhằm thu hút các tài xế mới tham gia vào ngành chắc chắn sẽ đẩy giá giao hàng trên toàn quốc tăng cao.

Nhật Bản công bố dự án siêu băng chuyền dài 500km, thay thế 25.000 tài xế xe tải
Kế hoạch Autoflow-Road sẽ không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng logistics mà còn giúp giảm lượng khí thải nhà kính. Ảnh: Kyodo

Khi công bố dự án Autoflow-Road vào tuần trước, Bộ trưởng Giao thông vận tải Tetsuo Saito nhấn mạnh kế hoạch này “không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng logistics mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính”.

Bên cạnh đó, Bộ giao thông vận tải Nhật Bản dự định tận dụng các hệ thống băng chuyền công suất cao hiện có, chẳng hạn như băng chuyền dài 23km tại mỏ đá vôi Torigatayama hoặc băng chuyền 100km được dùng để vận chuyển phốt phát từ một mỏ xa xôi ở Tây Sahara đến cảng biển gần nhất.

Những công nghệ băng chuyền quy mô lớn này có thể cung cấp mô hình cho các đường ray vận chuyển hàng hóa trên mặt đất của Autoflow-Road.

Dù được lắp đặt trong đường hầm hay dọc theo đường bộ, dự án dài 500km từ Tokyo đến Osaka được cho là sẽ vượt xa cả 2 hệ thống trên.

Bộ cho biết họ đang tìm cách tối ưu hóa việc sử dụng các công nghệ thu thập và phân phối tự động để cải thiện tốc độ xử lý và giảm thiểu sự tham gia của con người.

Họ dự đoán rằng các pallet (kệ kê hàng) có thể chứa tới một tấn hàng hóa sẽ được đặt trên băng chuyền, hoạt động 24 giờ/ngày và vận chuyển lượng hàng hóa tương đương với 25.000 tài xế mỗi ngày.

Tuy nhiên, ông Muramatsu vẫn thận trọng về chi phí dự kiến ​​của dự án và chỉ nói rằng nó “đang được xem xét”. Ông cũng không đưa ra mốc thời gian mà hệ thống có thể hoạt động hoặc chi phí vận hành là bao nhiêu.

Tờ Yomiuri ước tính thách thức lớn nhất của Autoflow-Road sẽ là chi phí, do việc xây dựng đường hầm và băng chuyền ngầm có khả năng lên tới 80 tỷ yên (508 triệu USD) cho mỗi đoạn đường 10km.

Theo South China Morning Post

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây