spot_img
27.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhật Bản đi ngược thế giới: Dùng AI chống lại khủng hoảng...

Nhật Bản đi ngược thế giới: Dùng AI chống lại khủng hoảng dân số già, con người không lo bị cướp việc

Liệu công nghệ này có thể giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đối phó với lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp?

Will Fee là nhà nghiên cứu tại Yuri Group có trụ sở tại Tokyo. Anh là tác giả chính của chuỗi báo cáo GxxD, chuyên khám phá điểm giao thoa giữa số hóa và năng lượng xanh tại Nhật Bản.

“Bạn làm chăm sóc khách hàng à? Trung tâm cuộc gọi? Quên đi. Những công việc đó giờ không còn nữa”. Đó là câu mở đầu tại ngày đầu tiên của hội nghị khởi nghiệp SushiTech do Chính quyền Thủ đô Tokyo tổ chức giữa tháng Năm. Chủ đề của phiên thảo luận là “Sự chuyển dịch AI toàn cầu”. Người phát biểu là một nhà đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley.

“Khoan đã, còn mảng bán hàng thì sao? Đó là một phần công việc của chúng tôi mà”, một nhà đầu tư khác trên sân khấu xen vào, bày tỏ lo ngại rằng AI có thể sẽ thay thế cả công việc trong ngành của chính họ. “Đừng lo. Nếu bạn đang xử lý những con số lớn, tầm 100.000 USD trở lên – kiểu giao dịch mà nếu đổ vỡ là ảnh hưởng đến cả sinh kế của khách hàng – thì vẫn cần yếu tố con người và sự tin tưởng. Những việc như vậy sẽ ổn”.

100.000 USD – con số không nhỏ. Nhưng ít ra nó cũng cho thấy đâu là loại công việc “đáng để giữ lại” khi đối mặt với làn sóng AI. Còn những người khác – những người cũng cần giữ công việc để sống – thì có thể… “quên đi”.

Quan điểm đó phản ánh không chỉ tư duy trong giới đầu tư mạo hiểm mà còn cả hướng phát triển AI tại phương Tây. Trong khi công chúng được hứa hẹn về những lợi ích mang tính bước ngoặt, thì các nhà đầu tư phía sau lại đang bán thứ gọi là “tăng hiệu suất” cho doanh nghiệp – điều mà nếu nói theo cách dễ hiểu hơn, chính là cắt giảm nhân sự.

Nhiều tập đoàn lớn ở phương Tây đã bắt đầu thay người bằng AI. Tại phố Wall, dự kiến sẽ có 200.000 việc làm bị ảnh hưởng bởi AI trong vòng 3–5 năm tới. Tháng Năm vừa qua, Microsoft bắt đầu sa thải 6.000 nhân viên (tương đương 3% lực lượng lao động) để chuyển hướng sang AI.

Và như báo hiệu cho xu hướng sắp lan rộng khắp ngành, CEO Tobi Lutke của Shopify (nền tảng thương mại điện tử Canada) đã viết trong một bản ghi nhớ rằng: “Trước khi yêu cầu thêm nhân sự và nguồn lực, các nhóm phải chứng minh rằng họ không thể hoàn thành công việc đó bằng AI.”

Rõ ràng đây là “phước lành từ trời” với tầng lớp lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng ở cấp độ xã hội, việc thay thế hàng loạt người lao động – những người có thu nhập và quyền lợi – bằng máy móc lại là một rủi ro lớn mà sự phát triển AI mang lại.

Tuy nhiên, khái niệm đó khó lòng chấp nhận được trong thị trường lao động vốn đã eo hẹp của Nhật Bản.

Với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,5%, Nhật hiện là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong khối OECD, trong khi mức trung bình vào tháng 3 năm nay là 4,9%.

Trong suốt thời hậu chiến, việc làm ổn định, cơ hội nghề nghiệp cho tất cả mọi người, và một lộ trình liền mạch từ học đường đến công sở đã trở thành những nền tảng quan trọng trong “hợp đồng xã hội” của Nhật Bản – giúp duy trì ổn định xã hội và chính trị trong nhiều thập kỷ.

Dù các vết rạn đã xuất hiện trong 30 năm qua do thời kỳ giảm phát và các cải cách thị trường tự do dưới thời Thủ tướng Koizumi khiến việc làm trở nên bấp bênh hơn, đặc biệt với phụ nữ và người trẻ, nhưng niềm tin rằng “có việc làm nếu muốn làm” vẫn còn tồn tại – minh chứng là tỷ lệ thất nghiệp luôn thấp.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nạn du lịch quá tải và đồng yên yếu gây bức xúc, người dân Nhật không mặn mà với một “cuộc cách mạng công nghệ” có thể làm lung lay thị trường lao động vốn đang ổn định.

Dù vậy, AI vẫn là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận chính trị và kinh doanh tại Nhật. Hội nghị SushiTech là minh chứng rõ nhất: hầu hết các phần trình bày, bao gồm cả bài phát biểu của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, đều xoay quanh việc triển khai AI.

Lý do là vì Nhật Bản thực sự đang rất cần một cuộc cách mạng công nghệ – nhưng không phải vì muốn cắt giảm chi phí như phương Tây.

ai-nhat.jpg
AI vẫn là chủ đề chính trong giới kinh doanh và chính trị Nhật Bản. (Ảnh: Yuji Murakami)

Tại Nhật, cuộc thảo luận về AI tập trung vào khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng.

Dân số Nhật hiện khoảng 125 triệu, nhưng dự báo sẽ giảm một nửa vào năm 2100. Tỷ lệ sinh cực thấp là nguyên nhân chính – số ca sinh năm ngoái chỉ còn khoảng 720.000, giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 2 triệu vào thập niên 1970.

Khoảng 40% địa phương ở nông thôn dự kiến sẽ “biến mất” vào năm 2050 khi người dân tiếp tục đổ về các đô thị lớn như Tokyo. Ngành công nghệ thông tin – xương sống của bất kỳ xã hội nào muốn cạnh tranh trong thế giới số – sẽ thiếu gần 500.000 lao động trong năm nay. Tổng thiếu hụt lực lượng lao động được dự đoán đạt 3,8 triệu người vào năm 2035.

Một giải pháp có thể là tăng cường nhập cư. Nhưng hiện Nhật đã có 3,4 triệu người nước ngoài – mức cao kỷ lục. Với lịch sử từng đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài suốt nhiều thế kỷ, khả năng Nhật chấp nhận nhập cư đại trà là rất thấp.

Vì vậy, gần như chỉ còn một con đường: đổi mới – đặc biệt là bằng AI.

Các startup như Agrist và AgriD đang ứng dụng AI vào robot để hỗ trợ lực lượng nông dân đang già hóa nhanh chóng – số lượng nông dân hiện nay là 1,23 triệu người và dự kiến giảm 75% trong 20 năm tới.

Tập đoàn bảo hiểm Sompo Holdings đã đưa AI vào các trung tâm dưỡng lão để theo dõi giấc ngủ của người già, giúp giảm tải cho nhân viên – những người đang phải chăm sóc 36,25 triệu người cao tuổi.

Và đặc biệt đáng chú ý, các startup tuyển dụng như samurAI Agents và Qlay đang dùng AI để giúp nhân viên tuyển dụng tìm ứng viên phù hợp – chứ không phải thay thế họ bằng máy móc.

ai-nhat-2.jpg
Hầu như mọi khía cạnh của hội nghị SushiTech gần đây ở Tokyo đều được mô tả thông qua góc nhìn triển khai AI. (Ảnh: Alexander Farrell)

Tất nhiên, Nhật cũng có thể rơi vào xu hướng “tăng hiệu quả” như phương Tây. Tại SushiTech, một hội đồng của chính quyền Tokyo cũng từng đề cập đến ảnh hưởng của AI đối với việc làm văn phòng, đặc biệt là ngành bảo hiểm.

Nhưng với bài toán dân số quá rõ ràng, Nhật Bản có cơ hội theo đuổi một hướng đi khác: phát triển AI theo cách mang tính bổ trợ con người, chứ không triệt tiêu họ.

Nếu các nhà đổi mới, doanh nhân và giới chức chính phủ giữ vững mục tiêu này, công nghệ AI có thể trở thành một lực đẩy tích cực – thay vì nguồn cơn của lo âu và bất ổn nghề nghiệp như tại phương Tây.

Theo Nikkei Asia

>> AI cướp việc: Thực tế thị trường lao động Mỹ đang cho thấy điều ngược lại, vì sao?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật