spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNhững gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis

Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88, có 9 cái tên được cho là có thể trở thành người kế nhiệm để dẫn dắt giáo hội Công giáo La Mã.

1. Jean-Marc Aveline – Tổng giám mục Marseille, người Pháp, 66 tuổi

Theo báo chí Pháp, ông được một số cộng đồng Công giáo trong nước gọi là John XXIV, vì ông giống Giáo hoàng John XXIII của những năm 1960, người đã thực hiện chủ trương cải cách.

Giáo hoàng Francis từng nói đùa rằng người kế nhiệm ông có thể lấy tên là John XXIV.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 1
Tổng giám mục Marseille Jean-Marc Aveline.

Ông Aveline được biết đến với tính cách dân dã, dễ gần, hay kể chuyện cười và có những tư tưởng giống Giáo hoàng Francis, đặc biệt trong vấn đề nhập cư và quan hệ với thế giới Hồi giáo. Ông cũng là một trí thức nghiêm túc, có bằng tiến sĩ thần học và bằng triết học.

Nếu được chọn làm người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, ông Aveline sẽ trở thành giáo hoàng người Pháp đầu tiên kể từ thế kỷ 14.

Ông cũng sẽ là giáo hoàng trẻ nhất kể từ thời Giáo hoàng John Paul II. Ông hiểu nhưng không nói được tiếng Ý, đây có thể là điểm trừ khi ông phải chuyển tới làm việc ở Rome.

2. Hồng y Peter Erdo, người Hungary, 72 tuổi

Ông Erdo được coi là ứng cử viên thỏa hiệp, một người thuộc phe bảo thủ nhưng vẫn xây dựng được cầu nối với thế giới tiến bộ của Giáo hoàng Francis.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 2
Hồng y Peter Erdo.

Ông Erdo được coi là ứng cử viên giáo hoàng trong mật nghị gần đây nhất vào năm 2013 nhờ các mối quan hệ rộng rãi của ông với giáo hội ở châu Âu và châu Phi. Ông cũng được coi là người tiên phong trong phong trào Truyền giáo mới nhằm khơi dậy đức tin Công giáo ở các quốc gia tiên tiến thế tục hóa.

Ông được coi là người bảo thủ về thần học, nhưng cũng là người thực tế và không bao giờ mâu thuẫn công khai với Giáo hoàng Francis, không giống các giáo sĩ truyền thống khác.

Tuy nhiên, ông đã khiến Vatican không bằng lòng trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, khi ông không nghe lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về việc các nhà thờ tiếp nhận người tị nạn, vì cho rằng việc này giống nạn buôn người. Tư tưởng này tương đồng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Là một chuyên gia về luật Giáo hội, ông Erdo trở thành giám mục ở tuổi 40 và trở thành hồng y vào năm 2003 khi ông mới 51 tuổi, khiến ông trở thành thành viên trẻ nhất của Hồng y đoàn cho đến năm 2010.

Ông nói tiếng Ý xuất sắc, và cũng nói được tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga. Điều này có thể giúp ông làm tan băng mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo Nga sau khi cuộc xung đột Ukraine qua đi.

3. Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, người Malta, 68 tuổi

Ông Grech là người Gozo, một hòn đảo nhỏ thuộc Malta, quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh châu Âu.

Ông được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, một vị trí quan trọng trong Vatican.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 3
Hồng y Mario Grech.

Ban đầu được coi là người bảo thủ, ông Grech sau đó thay đổi mạnh mẽ và trở thành người tiên phong trong các cuộc cải cách của Giáo hoàng Francis ở Giáo hội suốt nhiều năm.

Năm 2008, một số công dân Malta đồng tính tuyên bố sẽ rời khỏi Giáo hội để phản đối lập trường mà họ cho là chống LGBT của Giáo hoàng Benedict khi đó.

Ông Grech không mấy thông cảm với họ vào thời điểm đó, nhưng khi phát biểu tại Vatican năm 2014, ông kêu gọi Giáo hội chấp nhận nhiều hơn các thành viên LGBT và tìm ra những cách mới để giải quyết những vấn đề trong gia đình đương đại.

Ngày hôm sau, Giáo hoàng Francis đã vỗ vai ông trong bữa sáng và khen ngợi bài phát biểu của ông.

Đến từ một quốc gia nhỏ bé, việc ông Grech được bầu làm giáo hoàng sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề ngoại giao hay địa – chính trị nào.

Ông Grech nhấn mạnh rằng ông luôn tìm kiếm sự đồng thuận thay vì đối đầu. Nhưng đôi khi ông cũng gây tranh cãi. Năm 2016, ông Grech đã dẫn đầu một cuộc hành hương để cầu mưa sau khi gặp những người nông dân lo lắng về hạn hán. Một tờ báo địa phương gọi đây là “một sự hồi tưởng về những nỗ lực thời tiền sử nhằm tạo ra mưa”. Nhưng vài ngày sau sự kiện, trời thực sự bắt đầu mưa.

4. Hồng y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona, ​​người Tây Ban Nha, 79 tuổi

Ông Omella được nhận xét là người giống Giáo hoàng Francis ở phong cách khiêm tốn và tốt bụng, cống hiến cho sự nghiệp Giáo hội, thúc đẩy công lý xã hội và tầm nhìn từ bi và bao trùm của Công giáo.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 4
Hồng y Juan Jose Omella.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1970, ông trở thành linh mục tại một số giáo xứ Tây Ban Nha và cũng có 1 năm truyền giáo ở Zaire, nơi hiện là CHDC Congo.

Từ năm 1999 – 2015, ông làm việc với tổ chức từ thiện Manos Unidas của Tây Ban Nha, để giải quyết nạn đói, bệnh tật và nghèo đói ở các nước đang phát triển.

Ông trở thành giám mục vào năm 1996 và được thăng chức lên tổng giám mục Barcelona năm 2015. Chỉ 1 năm sau, Giáo hoàng Francis trao cho ông chiếc mũ hồng y đỏ.

Năm 2023, Giáo hoàng Francis mời ông Omella tham gia nội các gồm 9 hồng y của mình để cố vấn cho ông về các vấn đề quản trị.

Nếu mật nghị tin rằng Giáo hội cần một cách tiếp cận mới, sự gần gũi này sẽ gây bất lợi cho ông Omella.

5. Hồng y Pietro Parolin, người Ý, nhà ngoại giao Vatican, 70 tuổi

Là ứng cử viên được nhiều người yêu thích, ông Parolin được coi là ứng cử viên thỏa hiệp giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ. Ông là nhà ngoại giao của Giáo hội trong hầu hết cuộc đời và là ngoại trưởng của Giáo hoàng Francis từ năm 2013.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 5
Hồng y Pietro Parolin.

Chức vụ này tương đương vị trí thủ tướng và ngoại trưởng, thường được gọi là “phó giáo hoàng” vì đứng thứ hai sau giáo hoàng trong hệ thống cấp bậc của Vatican.

Ông Parolin trước đây là phó ngoại trưởng dưới thời Giáo hoàng Benedict. Khi đó, ông được bổ nhiệm làm đại sứ của Vatican tại Venezuela vào năm 2009.

Ông cũng là người đã kết nối Vatican với Trung Quốc và Việt Nam.

6. Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, người Philippines, 67 tuổi

Ông Tagle thường được gọi là “Giáo hoàng Francis châu Á”. Nếu được bầu, ông sẽ trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Á.

Về lý thuyết, ông Tagle dường như đáp ứng được tất cả các điều kiện để trở thành giáo hoàng.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 6
Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle.

Ông đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm mục vụ từ khi được thụ phong linh mục năm 1982. Sau đó, ông tích luỹ kinh nghiệm quản lý từ vị trí giám mục Imus và sau đó là tổng giám mục của Manila.

Giáo hoàng Benedict phong ông làm hồng y từ năm 2012.

Năm 2019, Giáo hoàng Francis chuyển Hồng y Tagle đến Vatican và bổ nhiệm làm người đứng đầu nhánh truyền giáo của Giáo hội, được gọi là Bộ Truyền giáo.

Ông đến từ nơi được gọi là “lá phổi Công giáo của châu Á”, vì Philippines có dân số Công giáo lớn nhất trong khu vực. Mẹ của ông là người Philippines gốc Hoa. Ông nói tiếng Ý và tiếng Anh lưu loát.

7. Hồng y Joseph Tobin, Tổng giám mục Newark, N.J., người Mỹ, 72 tuổi

Có thể các hồng y trên thế giới sẽ không chọn vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ, nhưng nếu họ muốn, ông Tobin được coi là ứng viên sáng giá nhất.

Là cựu lãnh đạo toàn cầu của dòng tu Công giáo Redemptorists, vị hồng y người Detroit đã có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các quốc gia trên khắp thế giới. Ông có thể nói tiếng Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha trôi chảy. Ông cũng có kinh nghiệm phục vụ tại Vatican và ở các vị trí hàng đầu trên khắp nhà thờ ở Mỹ.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 7
Hồng y Joseph Tobin.

Ông Tobin phục vụ một thời gian với tư cách là người thứ hai của một văn phòng Vatican từ năm 2009-2012, và sau đó được Giáo hoàng Benedict bổ nhiệm làm Tổng giám mục Indianapolis, Indiana. Giáo hoàng Francis thăng chức cho ông lên Hồng y vào năm 2016, sau đó phong ông làm Tổng giám mục Newark.

Trong vai trò mới nhất này, Hồng y Tobin đã giải quyết một trong những vụ bê bối Công giáo gây chú ý nhất trong những năm gần đây. Năm 2018, Hồng y Theodore McCarrick khi đó bị cách chức vì cáo buộc có hành vi sai trái về tình dục với các chủng sinh.

Ông Tobin được biết đến với thái độ cởi mở đối với cộng đồng LGBT.

8. Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, người Ghana, viên chức Vatican, 76 tuổi

Từ khởi đầu khiêm tốn tại một thị trấn nhỏ ở châu Phi, Hồng y Peter Turkson đã đạt được những thành tựu lớn trong Giáo hội, khiến ông trở thành ứng cử viên sáng giá để có thể trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ vùng châu Phi cận Sahara.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 8
Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson.

Việc ông đến từ một trong những khu vực năng động nhất của Giáo hội, nơi đang đấu tranh chống lại các thế lực thế tục, cũng sẽ củng cố vị thế của ông.

Ông học tại các chủng viện ở Ghana và New York, được thụ phong vào năm 1975, sau đó giảng dạy tại chủng viện cũ của mình ở Ghana và học Kinh thánh nâng cao ở Rome.

Giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục Cape Coast vào năm 1992 và 11 năm sau đó đã phong ông làm Hồng y đầu tiên trong lịch sử của quốc gia Tây Phi này.

Những lần thăng chức sau đó đã đưa ông đến Vatican vào năm 2009 và ông được phong làm người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình – cơ quan thúc đẩy công lý xã hội, nhân quyền và hòa bình thế giới.

Trong vai trò đó, ông là một trong những cố vấn thân cận nhất của giáo hoàng về các vấn đề như biến đổi khí hậu và thu hút được nhiều sự chú ý khi tham dự các hội nghị như Diễn đàn kinh tế Davos.

9. Matteo Maria Zuppi, người Ý, Tổng giám mục Bologna, 69 tuổi

Khi ông Zuppi được thăng chức vào năm 2015 và trở thành tổng giám mục Bologna, các phương tiện truyền thông gọi ông là “Bergoglio người Ý”, vì mối quan hệ gần gũi của ông với Giáo hoàng Francis. Tên khai sinh của Giáo hoàng Francis là Jorge Mario Bergoglio.

Những gương mặt sáng giá có thể kế nhiệm Giáo hoàng Francis ảnh 9
Hồng y Bologna Matteo Maria Zuppi.

Nếu được bầu, ông Zuppi sẽ là giáo hoàng người Ý đầu tiên kể từ năm 1978.

Giống như Giáo hoàng Francis khi còn sống ở Buenos Aires, ông Zuppi được biết đến như một “linh mục đường phố”, vì ông dành sự quan tâm cho những người di cư và người nghèo, không quan tâm nhiều đến sự phô trương và nghi thức. Ở Bologna, đôi khi ông sử dụng xe đạp thay vì ô tô.

Nếu ông được bầu làm giáo hoàng, những người bảo thủ có thể sẽ nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ. Các nạn nhân của lạm dụng tình dục trong Giáo hội cũng có thể phản đối ông, vì Giáo hội Công giáo Ý, nơi ông lãnh đạo từ năm 2022, đã chậm trễ trong việc điều tra và xử lý vấn đề này.

Vị hồng y người Ý này có mối quan hệ chặt chẽ với Cộng đồng Sant’Egidio, một nhóm Công giáo vì hòa bình và công lý toàn cầu.

Sant’Egidio đã làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình năm 1992 để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 17 năm ở Mozambique, với sự giúp đỡ của ông Zuppi.

Gần đây, ông tham gia nhiều hơn vào hoạt động ngoại giao với tư cách đặc phái viên của giáo hoàng về cuộc xung đột Nga – Ukraine, tập trung vào việc hồi hương những đứa trẻ mà Ukraine cho rằng đã bị đưa sang Nga theo cách không đúng.

>> Những thủ tục diễn ra sau khi Giáo hoàng Francis qua đời

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật