Mới đây, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản vừa có bài viết nhận định về tiềm năng kinh tế của tỉnh Đồng Nai. Tờ này nhận định, Đồng Nai – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc da cam trong thời chiến tranh – đang chuyển mình thành một trung tâm kinh tế của cả nước với sân bay mới và các khu công nghiệp đang được xây dựng.
Tỉnh có kế hoạch phát triển 11 khu công nghiệp mới đến năm 2030, nâng tổng số lên 50. Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang được xây dựng, dự kiến sẽ mở cửa vào nửa đầu năm 2026.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nói với tờ Nikkei Asia: “Đồng Nai là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Nam của Chính phủ Việt Nam”. Ông cho hay sân bay mới, kết hợp với Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lân cận, sẽ đóng vai trò trung tâm để “hỗ trợ nền kinh tế tương lai của miền Nam Việt Nam”.
Ông Linh giải thích rằng mặc dù khu vực xung quanh TP. HCM từ trước đến nay là trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng Chính phủ đã từ lâu tập trung đầu tư vào miền Bắc. Tuy nhiên trong khoảng 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã bắt đầu tập trung lại vào phát triển cơ sở hạ tầng ở miền Nam.
Sân bay Long Thành sẽ có công suất 125 triệu hành khách mỗi năm, gấp ba lần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại. Theo ông Linh, sân bay mới sẽ có 4 nhà ga, với các đường bay mới cũng như các đường bay đã hoạt động tại Tân Sơn Nhất.
Sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Ảnh: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam |
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác xung quanh sân bay sẽ tăng cường khả năng tiếp cận, bao gồm bốn dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai và một tuyến đường sắt dự kiến sẽ mở cửa vào khoảng năm 2030.
Trung tâm kinh tế mới dự kiến sẽ thu hút các dịch vụ như hậu cần và lưu trú. Ông cho biết thêm, tỉnh đang cố gắng thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, như đào tạo nghề cho du lịch.
Tỉnh đã thu hút đầu tư nước ngoài nhờ vị trí nằm gần trung tâm TP. HCM. Vào những năm 1960, tỉnh Đồng Nai đã thành lập khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam và từ đó đến nay đã thu hút nhiều công ty như tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc, tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan (Trung Quốc) và Nestle.
Theo ông Linh, mặc dù tỉnh đã hoan nghênh bất kỳ khoản đầu tư nào trước đây, nhưng trọng tâm trong những năm gần đây là “hướng tới cụm công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn”. Ông đang cố gắng thu hút các dự án công nghệ cao và việc làm cho những người lao động có tay nghề cao.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Vietnamnet |
Tỉnh Đồng Nai có sức hấp dẫn về nhân tài, khả năng tiếp cận giáo dục cả trong tỉnh và TP. HCM. “Chúng tôi luôn hướng dẫn nhân viên cách giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cần thiết để doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh”, ông Linh nói.
Hưởng lợi từ đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Trong quý I/2024, Đồng Nai xếp thứ sáu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo cổng thông tin của tỉnh. Hiện tỉnh có hơn 1.600 dự án FDI từ 46 quốc gia và khu vực, với tổng vốn đầu tư khoảng 36 tỷ USD.
Tỉnh đang được hưởng lợi từ động thái đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty. Theo ông Ishii Hiroyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức, chủ đầu tư khu công nghiệp Long Đức, rủi ro khi dựa vào Trung Quốc được thể hiện rõ bởi căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch, “nhiều công ty đến Việt Nam sau Covid-19 đang nói về ‘Trung Quốc +1’”.
Công ty này là chi nhánh của tập đoàn thương mại Nhật Bản Sojitz, công ty có hai khu công nghiệp ở Đồng Nai và đang xây dựng khu Long Đức 3 mới. Một số công ty muốn giảm quy mô ở Trung Quốc hoặc đang xem xét lại việc mở rộng năng lực sản xuất ở đó và thay vào đó đang đầu tư vào Việt Nam, ông Ishii nói.
Theo Hiroyuki Taguchi, Giám đốc bộ phận phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp của Sojitz, ngoài việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng (thường liên quan đến sản xuất xuất khẩu), thị trường nội địa nhiều tiềm năng cũng là lý do để các công ty chuyển đến Đồng Nai. Ông nói thêm: “Các cụm công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam có xu hướng tập trung nhiều công ty lớn có hoạt động kinh doanh với Trung Quốc như ô tô và điện tử, trong khi miền Nam có nhiều ngành đa dạng hơn, bao gồm cả thực phẩm”.