Theo số liệu từ LSEG (London Stock Exchange Group), tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay đòn bẩy đã tăng hơn 33% so với năm 2023, đạt 7,93 nghìn tỷ USD. Nguyên nhân chính đến từ chi phí vay thấp kỷ lục so với trái phiếu chính phủ, thu hút nhiều tập đoàn lớn như AbbVie và Home Depot tham gia thị trường.
Số liệu phát hành trái phiếu năm nay đã vượt đỉnh cao trước đó của năm 2021. Nhu cầu mạnh từ nhà đầu tư đã giúp giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương chưa bắt đầu hạ lãi suất từ mức đỉnh.
“Thị trường đang hoạt động vượt công suất,” John McAuley, Giám đốc thị trường vốn nợ khu vực Bắc Mỹ của Citigroup nhận định.
Làn sóng phát hành trái phiếu ban đầu nhằm tránh rủi ro từ cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, sau chiến thắng của ông Trump, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh kế hoạch vay vốn cho năm 2025.
Điển hình như “gã khổng lồ” ngành dược phẩm AbbVie đã huy động thành công 15 tỷ USD trái phiếu vào tháng 2 để tài trợ thương vụ mua lại ImmunoGen và Cerevel Therapeutics. Các tên tuổi lớn khác trên thị trường trái phiếu năm nay còn có Cisco Systems, Bristol Myers Squibb, Boeing và Home Depot.
Theo Ice BofA, chênh lệch lãi suất trái phiếu đầu tư của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 1990, chỉ còn 0,77 điểm phần trăm sau cuộc bầu cử. Đối với trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao hơn, mặc dù chênh lệch đã tăng nhẹ từ giữa tháng 11 nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Mặc dù chênh lệch lãi suất đang ở mức thấp, tổng chi phí vay vốn vẫn cao do ảnh hưởng từ lợi suất trái phiếu kho bạc. Theo BofA, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư hiện ở mức 5,4%, tăng mạnh so với mức 2,4% cách đây ba năm.
Mức lợi suất hấp dẫn này đã thu hút dòng vốn kỷ lục gần 170 tỷ USD đổ vào các quỹ trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2024, theo số liệu từ EPFR.
“Đây là năm bận rộn nhất về hoạt động vay vốn hạng cao, chỉ sau năm 2020 – thời điểm gói kích thích kinh tế do Covid-19 tạo ra cơn sốt phát hành”, ông Dan Mead, Giám đốc nhóm đầu tư trái phiếu cao cấp của Bank of America cho biết.
Nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới, khi các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn tái cấp vốn cho các khoản nợ giá rẻ trong thời kỳ đại dịch. Ông Marc Baigneres, đồng Giám đốc toàn cầu về tài chính đầu tư tại JPMorgan, nhận định hoạt động vay vốn sẽ duy trì ổn định, đặc biệt tiềm năng đến từ các thương vụ M&A quy mô lớn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thị trường có thể chậm lại nếu chênh lệch lãi suất tăng cao. “Thị trường hiện đang định giá như thể không có rủi ro giảm giá. Với mức chênh lệch được định giá hoàn hảo như vậy, rủi ro nội tại đang gia tăng,” Maureen O’Connor, Giám đốc toàn cầu mảng nợ cấp cao của Wells Fargo nhận định.
Theo Financial Times (FT)