Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc yêu cầu tất cả sinh viên nước ngoài xin học tại Mỹ phải trải qua quá trình rà soát mạng xã hội – một bước mở rộng đáng kể so với các biện pháp từng được áp dụng trước đây, theo một bức điện tín mà tờ Politico có được.
Để chuẩn bị cho quy định mới này, chính quyền đã chỉ đạo các Đại sứ quán và bộ phận lãnh sự của Mỹ tạm dừng việc sắp xếp các cuộc phỏng vấn mới cho nhóm đối tượng xin thị thực du học, theo nội dung bức điện đề ngày thứ Ba, có chữ ký của Ngoại trưởng Marco Rubio.
Nếu kế hoạch này được triển khai, quá trình xử lý thị thực du học có thể bị chậm lại đáng kể. Điều này cũng sẽ gây tổn hại cho nhiều trường đại học vốn phụ thuộc lớn vào sinh viên quốc tế để tăng nguồn thu tài chính.
“Có hiệu lực ngay lập tức, nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng quy trình rà soát và kiểm tra mạng xã hội bắt buộc, các bộ phận lãnh sự không nên tăng thêm số lượng lịch hẹn xét cấp thị thực cho sinh viên và khách trao đổi (diện F, M và J) cho đến khi có hướng dẫn tiếp theo thông qua điện tín riêng, dự kiến sẽ được ban hành trong vài ngày tới”, bức điện nêu rõ.
Chính quyền Mỹ trước đó đã áp dụng một số yêu cầu rà soát mạng xã hội, nhưng phần lớn các biện pháp này nhắm vào những sinh viên quay trở lại Mỹ và có thể đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối hành động của Israel tại Dải Gaza.

Bức điện không nêu rõ cụ thể nội dung rà soát mạng xã hội trong tương lai sẽ tập trung vào yếu tố nào, nhưng có đề cập đến các sắc lệnh hành pháp với mục tiêu ngăn chặn khủng bố và chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Nhiều quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trong thời gian qua đã phàn nàn một cách kín đáo rằng các hướng dẫn trước đây – chẳng hạn như yêu cầu rà soát những sinh viên từng tham gia biểu tình tại khuôn viên trường – là quá mơ hồ. Ví dụ, không rõ việc đăng ảnh lá cờ Palestine trên nền tảng X có bị xem là lý do để sinh viên bị điều tra kỹ lưỡng hơn hay không.
Chính quyền hiện tại cũng đã tận dụng nhiều quy định để siết chặt kiểm soát đối với các trường đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục danh tiếng như Harvard, mà họ cho là quá thiên tả và dung túng chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên. Đồng thời, một loạt các biện pháp trấn áp nhập cư đang được triển khai, ảnh hưởng đến rất nhiều sinh viên quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức khi được yêu cầu bình luận về thông tin này.
Thông tin nói trên đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng giáo dục đại học.
Hiệp hội Giáo dục Quốc tế NAFSA – tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho sinh viên nước ngoài – đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định này. Bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành của NAFSA, cho rằng chính sách này đã vô tình bôi nhọ những sinh viên chăm chỉ, nghiêm túc.
“Ý tưởng rằng các đại sứ quán có đủ thời gian, năng lực và ngân sách từ tiền thuế của người dân để thực hiện việc này là điều rất đáng lo ngại”, bà Aw nói. “Sinh viên quốc tế không phải là mối đe dọa đối với nước Mỹ. Trái lại, họ là một tài sản quý giá cho đất nước này”.
Meta – công ty sở hữu các nền tảng Facebook, WhatsApp và Instagram – từ chối bình luận. Đại diện của các nền tảng khác như Google, Snap, X, TikTok, Discord, Bluesky và Reddit cũng không phản hồi các câu hỏi liên quan đến chính sách mới.
Theo Politico
>> Báo động hơn 1.000 du học sinh ở Mỹ bị hủy thị thực, có thể bị bắt giam