Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào sáng thứ Năm tại Phòng Bầu dục để công bố “MỘT THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI LỚN VỚI ĐẠI DIỆN CỦA MỘT QUỐC GIA LỚN, RẤT ĐƯỢC KÍNH TRỌNG”.
Thông báo này được Trump đưa ra trên mạng xã hội Truth Social, song ông không nêu cụ thể tên quốc gia. Theo The New York Times, thỏa thuận có thể liên quan đến Vương quốc Anh, dẫn nguồn từ ba người nắm rõ vấn đề. Sau thông tin này, đồng bảng Anh tăng giá mạnh hơn.

Thông tin về thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang chịu áp lực chính trị ngày càng lớn, buộc ông phải tìm lối thoát cho kế hoạch tăng thuế nhập khẩu – vốn bị chỉ trích là sẽ đẩy mức thuế Mỹ lên cao nhất trong vòng một thế kỷ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy niềm tin của người dân Mỹ vào năng lực điều hành kinh tế của ông đang suy giảm. Ngay sau bài đăng của ông Trump, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 đã tăng tới 0,5%.
Hiện chưa rõ chi tiết nội dung thỏa thuận, nhưng ông Trump úp mở rằng đây sẽ là bước đầu tiên trong chuỗi các nỗ lực nhằm gỡ bỏ rào cản xuất khẩu và xoa dịu thị trường – vốn đang chao đảo vì chính sách thuế quan diện rộng của ông.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể đi kèm những ràng buộc lớn. Các hiệp định thương mại toàn diện thường cần nhiều năm đàm phán. Trong bối cảnh hiện tại, khả năng cao thỏa thuận sắp tới chỉ mang tính khung – tập trung vào cam kết và định hướng – trong khi nhiều điều khoản quan trọng sẽ được đàm phán sau.
Nhà Trắng hiện chưa phản hồi về quốc gia liên quan cũng như quy mô của thỏa thuận sắp công bố.
Chính quyền Trump đang tiến hành nhiều cuộc đàm phán song song với hàng loạt quốc gia, sau khi tạm hoãn chính sách tăng thuế quy mô lớn – bao gồm mức thuế 10% áp lên gần như toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ và mức thuế bổ sung với hơn 50 nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn với Washington. Ngoài ra, Mỹ còn áp thuế theo ngành đối với thép, ô tô và dọa mở rộng sang các lĩnh vực khác như dược phẩm, gỗ và phim ảnh nước ngoài.
Thỏa thuận mang tính khung
Trump không đưa ra chi tiết cụ thể về các tiêu chí của một thỏa thuận được coi là “chấp nhận được.” Tuy nhiên, các cố vấn của ông cho biết những thông báo ban đầu có thể sẽ chỉ là bước khởi đầu cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn trong tương lai.
Đáng chú ý, Trump vẫn kiên quyết không nói rõ liệu ông có sẵn sàng giảm mức thuế nhập khẩu cơ bản 10% mà ông đã áp dụng với hầu hết các quốc gia từ đầu năm nay hay không.
Vương quốc Anh và Mỹ hiện đang đàm phán tích cực về một thỏa thuận nhằm giảm tác động từ các mức thuế, theo các nguồn thạo tin. Một phái đoàn của Anh cũng đã có mặt tại Washington trong tuần này để đàm phán.
Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh cho biết các cuộc thảo luận “vẫn đang tiếp diễn” và từ chối đưa ra bình luận cụ thể cũng như thời gian kết thúc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp cận đàm phán một cách bình tĩnh và thận trọng, với mục tiêu tháo gỡ áp lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh,” cơ quan này nêu rõ.
Hôm thứ Ba, Anh vừa công bố một thỏa thuận thương mại lớn với Ấn Độ – được xem là hiệp định lớn nhất mà London ký kết kể từ khi rời Liên minh châu Âu. Đây là một phần trong nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế toàn cầu giữa bối cảnh các chính sách thuế của Trump gây xáo trộn mạnh.
Ngoài Anh, các cuộc đàm phán ở cấp cao cũng đang diễn ra với Nhật Bản, Ấn Độ và Israel. Tháng trước, ông Trump bất ngờ tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán với đoàn Nhật Bản, trong khi Phó Tổng thống JD Vance đã đến Ấn Độ để bàn thảo các vấn đề thương mại. Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đến Nhà Trắng để thảo luận về thương mại với Tổng thống Mỹ.
Mặc dù các tuyên bố của ông Trump có thể tạo tâm lý tích cực cho thị trường, giới đầu tư vẫn theo dõi sát khả năng ông có sẵn sàng điều chỉnh chính sách thuế ngày 2/4 – vốn đã vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Bessent nhấn mạnh đây chỉ là các cuộc trao đổi nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng chứ không phải một thỏa thuận thương mại đầy đủ.
Trump cũng khẳng định ông không có ý định giảm thuế nhập khẩu với Trung Quốc để mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn. Khi được hỏi liệu có sẵn sàng rút lại mức thuế 145% đối với hàng Trung Quốc để đưa Bắc Kinh trở lại bàn đàm phán, ông trả lời dứt khoát: “Không”.