Theo CBS, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cách chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz vào chiều ngày 1/5, sau khi ông này đánh mất lòng tin của nhiều quan chức trong chính quyền, sau sự cố rò rỉ thông tin quốc phòng trong nhóm chat “Signalgate”.
Cùng ngày, ông Trump tuyên bố sẽ đề cử ông Mike Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, dù chưa rõ thời điểm chính thức cho sự chuyển giao này.

Cựu Cố vấn An ninh Mike Waltz trở thành quan chức cấp cao đầu tiên rời chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Tính đến nay, ông Trump vẫn né tránh việc thay đổi nội các và các cố vấn hàng đầu, khiến quyết định lần này trở nên bất ngờ. Đây được xem là bước lùi đáng kể với ông Waltz – cựu nghị sĩ bang Florida và cựu binh quân đội – dù ông có thể vẫn đảm nhận một vị trí ngoại giao quan trọng của Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tạm thời kiêm nhiệm vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia. Việc một quan chức đảm nhận đồng thời hai vị trí đã từng có tiền lệ – ông Henry Kissinger từng giữ cả hai chức vụ này từ năm 1973 đến 1975.
Sự ra đi của ông Mike Waltz giáng một đòn mạnh vào đội ngũ an ninh quốc gia vốn đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi chính quyền Trump phải cùng lúc xử lý ba điểm nóng xung đột và điều phối một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Theo hai nguồn tin am hiểu nội tình từ báo Politico, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Alex Nelson Wong cũng được cho là sẽ rời vị trí trong thời gian tới.
Ý định thay thế cả hai vị trí lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã được nhà báo Mark Halperin tiết lộ trước đó trong chương trình phát trực tuyến The Morning Meeting.
Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz từng được ca ngợi là “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Mỹ, khi ông chỉ mất sáu năm để chuyển từ Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện lên vị trí điều phối Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, kể từ khi báo The Atlantic công khai việc kế hoạch tấn công các lực lượng Houthi của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trong 1 cuộc trò chuyện trên ứng dụng Signal, tương lai chính trị của ông Mike Waltz đã bị đặt dấu hỏi lớn.
Dù Tổng thống Trump và một số quan chức ban đầu vẫn công khai bày tỏ sự ủng hộ, nhiều người trong Nhà Trắng đã tỏ ra tức giận khi phát hiện chính ông Waltz là người khởi tạo cuộc trò chuyện và vô tình thêm Jeffrey Goldberg, Tổng biên tập của The Atlantic, vào nhóm.
Theo các cựu quan chức và các nguồn tin hiện tại, nội dung bị rò rỉ có thể liên quan đến thông tin nhạy cảm về các cuộc không kích hồi tháng 3 – bao gồm thời gian, mục tiêu và hệ thống vũ khí sử dụng – được cho là thuộc diện tối mật.
Theo Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã có mối quan hệ đầy sóng gió với các cố vấn an ninh quốc gia của mình. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông thay tới bốn người phụ trách vai trò này.
Trái với các tổng thống tiền nhiệm – những người thường trao quyền điều hành rộng rãi cho Cố vấn An ninh Quốc gia như một “vị nhạc trưởng” dẫn dắt toàn bộ đầu não An ninh từ Nhà Trắng – ông Trump lại thích một bộ máy tinh gọn, hoạt động như một nhóm nhân viên chặt chẽ hơn là một cơ quan hoạch định chiến lược độc lập.
Theo một nguồn tin của Nhà Trắng, chính việc ông Waltz hành xử như một nhà lãnh đạo độc lập – thay vì đóng vai trò hỗ trợ – đã khiến ông mất điểm trong mắt Tổng thống Trump và các cố vấn trung thành.
Cố vấn An ninh Mike Waltz cũng phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi cố gắng đưa người của mình vào các vị trí cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Nhiều chức vụ chủ chốt – bao gồm giám đốc phụ trách chiến lược, các vấn đề hạt nhân và chiến lược, cũng như khu vực châu Phi – vẫn bị bỏ trống sau khi các lựa chọn của ông liên tục bị từ chối bởi các cố vấn cấp cao khác trong Nhà Trắng.
Một số nhân vật theo đường lối cứng rắn của phong trào “Make America Great Again” (MAGA) thậm chí còn cho rằng các đề xuất của Mike Waltz là quá cực đoan. Riêng trong trường hợp vị trí giám đốc phụ trách châu Phi, cả ba ứng viên được Waltz đề xuất đều bị từ chối – và vị trí này đến nay vẫn chưa được bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, sự xáo trộn về nhân sự của Nhà Trắng sẽ tiếp tục hướng sự chú ý sang Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth – người cũng đang gặp nhiều áp lực. Mặc dù Tổng thống Trump tiếp tục công khai ủng hộ ông, nhưng vụ bê bối “Signalgate” cùng với những tiết lộ liên quan đến các chuỗi tin nhắn nội bộ khác đã làm rúng động Lầu Năm Góc và dẫn đến sự ra đi của nhiều trợ lý cấp cao thân cận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Tham khảo CBS, Politico