Sau khi Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, thông báo tuần trước rằng họ buộc phải tăng giá một số mặt hàng vì chi phí gia tăng do chiến tranh thương mại toàn cầu, ông Trump đã phản ứng dữ dội vào ngày thứ Bảy trên mạng xã hội Truth Social, yêu cầu Walmart phải rút lại quyết định.
“Walmart nên NGỪNG ngay việc đổ lỗi cho thuế quan là lý do tăng giá trên toàn chuỗi cung ứng”, ông Trump viết. “Giữa Walmart và Trung Quốc thì như người ta nói, họ nên ‘chịu đựng thuế quan’ và KHÔNG được tính thêm tiền cho khách hàng. Tôi sẽ theo dõi, và khách hàng của các bạn cũng vậy!!!”

Đây là lần thứ ba trong thời gian gần đây chính quyền Trump công khai chỉ trích một công ty lớn của Mỹ vì cho rằng họ lợi dụng thuế quan để tăng giá.
Hôm 29/4, sau khi có thông tin Amazon cân nhắc hiển thị khoản phụ phí thuế quan bên cạnh giá niêm yết trên nền tảng Haul, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã giơ ảnh Chủ tịch Amazon Jeff Bezos trong buổi họp báo và gọi kế hoạch đó là một “hành động mang tính thù địch và chính trị”. Ông Trump, theo một quan chức cấp cao tiết lộ, đã rất tức giận và đích thân gọi cho ông Bezos để phản đối. Sau cuộc gọi, Amazon thông báo rằng họ đã từ bỏ kế hoạch trên.
Chỉ một tuần sau, ngày 6/5, ông Trump tiếp tục đe dọa áp thuế 100% đối với các sản phẩm của Mattel sau khi công ty này cho biết họ sẽ phải tăng giá đồ chơi. Giám đốc điều hành Mattel, ông Ynon Kreiz, cho biết thuế quan của ông Trump sẽ không thể giúp chuyển sản xuất đồ chơi về Mỹ, bởi chi phí sản xuất trong nước sẽ khiến giá thành không còn cạnh tranh.
“Chúng tôi không thấy điều đó khả thi”, ông Kreiz nói với CNBC sau khi Mattel cảnh báo giá đồ chơi tại Mỹ sẽ tăng.
Từ Phòng Bầu dục, ông Trump phản pháo gay gắt, “Chúng tôi sẽ áp thuế 100% lên các món đồ chơi của ông ta, và ông ấy sẽ không bán được một món nào ở Mỹ — mà đó là thị trường lớn nhất của họ”, ông Trump tuyên bố. “Tôi sẽ không muốn một người như vậy tiếp tục làm CEO lâu dài”.
Dù giọng điệu gay gắt, các động thái của ông Trump lại phản ánh một điểm tương đồng với chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đây, khi ông Biden từng cáo buộc các tập đoàn lợi dụng lạm phát để tăng giá — mà truyền thông gọi là “lạm phát lòng tham” (greedflation).
“Walmart đã KIẾM ĐƯỢC HÀNG TỶ ĐÔ trong năm qua, vượt xa dự kiến”, ông Trump đăng trên mạng xã hội hôm thứ Bảy. Điều này là chính xác, Walmart có một năm 2024 tăng trưởng mạnh nhờ khách hàng tìm đến chuỗi siêu thị giá rẻ giữa thời kỳ lạm phát.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Walmart đến từ quy mô khổng lồ, chứ không phải do nâng giá bán. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong quý gần nhất của họ chỉ hơn 4% doanh thu, và biên lợi nhuận ròng chưa đến 3% — mức rất mỏng theo chuẩn doanh nghiệp.
Không ai nghĩ Walmart — tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới — đang gặp khó khăn tài chính. Và có lẽ ông Trump đúng khi nói rằng họ có thể “chịu” phần lớn chi phí thuế quan mà không ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, Giám đốc điều hành Doug McMillon không làm việc cho ông Trump, mà là cho các cổ đông của Walmart, những người yêu cầu tăng trưởng và ổn định lợi nhuận.
Chính vì thế, ông McMillon tuần trước cho biết Walmart sẽ gánh chịu một phần chi phí do thuế quan, nhưng không thể hấp thụ toàn bộ.
“Chúng tôi sẽ cố gắng giữ giá thấp nhất có thể. Nhưng với mức thuế hiện nay, dù đã được điều chỉnh giảm, chúng tôi không thể gánh hoàn toàn áp lực này do biên lợi nhuận bán lẻ vốn đã rất hẹp,” ông McMillon nói trong cuộc gọi với nhà đầu tư hôm thứ Năm. “Chúng tôi có vị thế tốt để ứng phó với áp lực chi phí do thuế quan, thậm chí tốt hơn bất kỳ ai. Nhưng ngay cả ở mức thuế thấp hơn, giá bán vẫn sẽ phải tăng”.
Dù ông Trump có lên tiếng đe dọa Amazon, Mattel hay cảnh báo Walmart, các doanh nghiệp Mỹ khác gần như chắc chắn cũng sẽ phải làm điều tương tự. Nếu Walmart cũng không thể giữ nguyên giá, thì có công ty nào làm được?
Nhà đầu tư sẽ dõi theo các doanh nghiệp lớn như Home Depot hay Target trong tuần này để xem liệu họ có bắt đầu tăng giá vì chiến tranh thương mại hay không.
Giá cả tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng, và dù cho Tổng thống có cố gắng “đe dọa”, điều đó cũng không thể ngăn cản xu hướng này.
Theo CNN