Ông Trump đe dọa đánh thuế, thị trường lo sợ
Ngày 30/3, Tổng thống Donald Trump đã làm dậy sóng dư luận khi tuyên bố đang xem xét áp dụng “thuế quan thứ cấp” lên toàn bộ dầu mỏ xuất khẩu Nga, với mức thuế 25%, thậm chí lên tới 50%. Đây là loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu của những nước đã mua hàng hóa từ quốc gia mà ông Trump nhắm đến trong chính sách đối ngoại của mình.
Trước đó, ông Trump đã áp thuế 25% đối với hàng hóa các quốc gia mua dầu và khí đốt từ Venezuela.
Tuy nhiên, ông Trump sau đó làm dịu bớt phần nào những lời lẽ gay gắt trước đó.
Tuyên bố của ông Trump ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư và các nhà phân tích thị trường dầu mỏ. Nga, cùng với Ả Rập Xê Út và Mỹ, là một trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn cung toàn cầu. Bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế xuất khẩu dầu Nga đều có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường dầu có thể biến động mạnh nếu lời đe dọa của ông Trump thành sự thật do khối lượng dầu mỏ Nga cung ứng ra thị trường thế giới rất lớn.
Trên thực tế, nguồn cung dầu của Nga trên thị trường quốc tế không bị đứt gãy ngay cả khi xung đột xảy ra tại Ukraine từ đầu năm 2022. Bởi, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành hai khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Nga.
Thị trường dầu mỏ nóng lên theo tuyên bố của ông Trump nhưng giá tăng không nhiều. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới 31/3 trên thị trường New York, dầu WTI tăng gần 1,9% lên gần 70,7 USD/thùng. Dầu Brent cũng tăng hơn 1,2%, lên hơn 74,5 USD/thùng.
Song song với áp lực lên Nga, ông Trump cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đặc biệt trong vấn đề đàm phán một thỏa thuận tài nguyên.
Tất cả những diễn biến này đang tạo nên một bức tranh địa chính trị phức tạp, trong đó dầu mỏ và khoáng sản là tâm điểm của sự chú ý.
Căng thẳng có thực sự leo thang, kinh tế toàn cầu ra sao?
Có thể thấy, từ lâu, ông Donald Trump đã nổi tiếng với phong cách đàm phán cứng rắn phủ đầu, thường xuyên sử dụng các biện pháp kinh tế như thuế quan để gây áp lực lên đối thủ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhiều quốc gia khác. Trên thực tế, ông Trump không ngần ngại thực thi những chính sách như vậy.
Tuy nhiên, trong trường hợp đánh thuế lên dầu mỏ Nga, quyết định này có thể phức tạp hơn.
Trước hết, Mỹ đã không nhập khẩu dầu thô từ Nga kể từ tháng 4/2022, nên thuế quan thứ cấp sẽ nhắm vào các quốc gia khác mua dầu Nga, như Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này đòi hỏi sự phối hợp quốc tế và có thể vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước liên quan.
Thứ hai, ông Trump đang đặt mục tiêu hạ giá dầu để giảm áp lực lạm phát tại Mỹ. Do vậy, việc gây gián đoạn nguồn cung dầu Nga có thể phản tác dụng, đẩy giá dầu tăng vọt.
Dựa trên những yếu tố trên, khả năng ông Trump áp thuế dầu mỏ Nga nằm ở mức trung bình.
Nếu thuế quan được áp dụng, kinh tế Mỹ có thể đối mặt với cả lợi ích và rủi ro. Về mặt tích cực, biện pháp này có thể thúc đẩy sản xuất dầu nội địa, phù hợp với khẩu hiệu “năng lượng Mỹ trên hết” của ông Trump.
Tuy nhiên, nếu giá dầu toàn cầu tăng do gián đoạn nguồn cung Nga, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn tại các trạm xăng, làm gia tăng lạm phát – điều mà ông Trump đang cố gắng tránh. Hơn nữa, các công ty lọc dầu Mỹ phụ thuộc vào dầu thô từ Canada và Mexico có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng sự biến động giá cả toàn cầu vẫn sẽ tạo áp lực lên chuỗi cung ứng.
Trên bình diện toàn cầu, thị trường dầu mỏ có thể chịu áp lực lớn nếu nguồn cung từ Nga bị hạn chế. Nga hiện chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh, đặc biệt khi OPEC+ chưa cho thấy dấu hiệu sẵn sàng bù đắp thiếu hụt.
Các quốc gia phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, như châu Âu và Nhật Bản, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế vốn đã căng thẳng sau đại dịch và xung đột Nga-Ukraine.
Đối với Nga, thuế quan thứ cấp sẽ là một đòn giáng mạnh vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí – vốn chiếm gần 30% ngân sách quốc gia. Dù Nga đã chuyển hướng bán dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc để đối phó với các lệnh trừng phạt trước đây, việc mất thêm thị trường hoặc bị giảm giá bán sẽ làm nền kinh tế vốn đang chịu áp lực từ chi tiêu quân sự và lạm phát càng thêm khó khăn.
Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của dầu Nga, có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu giá dầu tăng vọt. Với nhu cầu năng lượng khổng lồ để duy trì tăng trưởng kinh tế, chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng giảm và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
>> Nga nói về phản ứng của ông Trump, ra lệnh gọi nhập ngũ lớn nhất trong 14 năm