Ngày 30/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa Iran bằng các cuộc không kích và lệnh trừng phạt thứ cấp nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với Washington về chương trình hạt nhân của mình.

Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi Iran từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ vào tuần trước, ông Trump nói với NBC News rằng các quan chức hai nước vẫn đang liên lạc, nhưng không tiết lộ chi tiết.
“Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có đánh bom”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Đó sẽ là những cuộc không kích mà họ chưa từng chứng kiến trước đây”.
Ông cũng cảnh báo: “Có khả năng nếu họ không ký thỏa thuận, tôi sẽ áp đặt trừng phạt thứ cấp lên họ, giống như tôi đã làm cách đây 4 năm”.
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Iran cho biết Tehran đã gửi phản hồi thông qua Oman đối với bức thư từ ông Trump kêu gọi một thỏa thuận hạt nhân mới. Iran khẳng định sẽ không đàm phán trực tiếp với Mỹ trong bối cảnh Washington duy trì chính sách gây áp lực tối đa và đe dọa quân sự.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm Chủ nhật tái khẳng định lập trường này: “Chúng tôi từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ, nhưng Iran luôn tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp. Lãnh tụ Tối cao cũng đã nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán gián tiếp vẫn có thể tiếp tục”.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC, ông Trump cũng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp lên cả Nga và Iran. Tuần trước, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép áp dụng các biện pháp này đối với những người mua dầu từ Venezuela.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One vào Chủ nhật, Trump cho biết ông sẽ đưa ra quyết định về trừng phạt thứ cấp tùy theo phản ứng của Tehran.
“Chúng tôi có thể chờ một vài tuần. Nếu không thấy tiến triển nào, chúng tôi sẽ áp đặt lệnh trừng phạt. Hiện tại, chúng tôi chưa thực hiện ngay. Nhưng nếu các bạn nhớ, tôi đã làm điều này sáu năm trước và nó đã phát huy tác dụng”, ông nói.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới, trong đó đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Sau đó, ông tái áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện, khiến Iran mở rộng chương trình làm giàu uranium vượt xa các giới hạn của thỏa thuận cũ.
Tehran đến nay vẫn bác bỏ cảnh báo của Trump và khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích dân sự. Trong khi đó, các cường quốc phương Tây cáo buộc Iran đang bí mật phát triển năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua việc làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết cao, vượt xa nhu cầu của một chương trình năng lượng nguyên tử dân sự.
Theo Reuters