Chính quyền Trump lần thứ hai dự kiến sẽ có nhiều điểm khác. (Ảnh: AP) |
Dưới đây là tóm tắt về các chính sách mà ông Trump cho biết sẽ thực hiện trong 4 năm của nhiệm kỳ thứ hai.
Tăng thuế
Trong quá trình vận động, ông Trump cho biết sẽ áp mức thuế quan 10% trở lên đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Những người chỉ trích cho rằng biện pháp này sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao hơn, làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ và gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
Ông Trump cũng nói rằng ông nên có thẩm quyền áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia áp thuế hàng hóa Mỹ. Ông đe dọa sẽ áp mức thuế 200% đối với một số ô tô nhập khẩu, nói rằng ông đặc biệt quyết tâm ngăn chặn ô tô từ Mexico vào nước này. Ông cũng gợi ý rằng các đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) có thể phải chịu thuế cao hơn với hàng hóa của họ.
Ông Trump cũng gọi tên Trung Quốc. Ông đề xuất loại bỏ dần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đồ điện tử, thép và dược phẩm trong vòng 4 năm. Ông cho biết sẽ tìm cách cấm các công ty Trung Quốc mua bất động sản và hạ tầng của Mỹ trong các lĩnh vực năng lượng và công nghệ. Ông nói rằng “thuế quan” là từ ưa thích của ông và coi đó là nguồn tạo ra doanh thu giúp lấp đầy ngân khố của chính phủ.
Trục xuất hàng loạt
Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố sẽ khôi phục các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông nhằm ngăn chặn những người vượt biên trái phép và tiếp tục thực hiện biện pháp hạn chế mới.
Ông cam kết hạn chế quyền tiếp cận tị nạn ở khu vực biên giới Mỹ – Mexico và thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ, nhưng điều này có thể vấp phải những thách thức pháp lý và sự phản đối từ đảng Dân chủ tại Quốc hội.
Tổng thống đắc cử Mỹ trước đó cho biết sẽ điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội liên bang để đạt được mục tiêu của mình và không loại trừ khả năng thành lập các trại tập trung để xử lý những người bị trục xuất.
Ông tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt quyền công dân tự động của những trẻ em có bố mẹ là người nhập cư, một hành động đi ngược lại với cách diễn giải lâu nay về Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
Ông Trump cũng gợi ý, rằng ông sẽ thu hồi địa vị pháp lý được bảo vệ của một số nhóm như người Haiti hoặc Venezuela; sẽ tái lập “lệnh cấm đi lại” đối với người dân từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Ý tưởng này đã gây ra nhiều cuộc chiến pháp lý trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Khoan dầu khí
Ông Trump hứa sẽ tăng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ bằng cách nới lỏng quy trình cấp phép và sẽ khuyến khích xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ có thực hiện chủ trương này và tăng sản lượng vào thời điểm giá dầu và khí đốt tương đối thấp hay không vẫn còn là điều phải chờ xem.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, một khuôn khổ để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, và sẽ ủng hộ việc tăng sản xuất điện hạt nhân. Ông cũng sẽ bãi bỏ chính sách của Tổng thống Joe Biden về xe điện và các chính sách khác nhằm giảm phát thải ô tô.
Ông Trump cho rằng Mỹ cần thúc đẩy sản xuất năng lượng để có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ngành tiêu tốn lượng điện năng lớn.
Giảm thuế trong nước
Cùng với chương trình hành động về thương mại và năng lượng, ông Trump hứa sẽ cắt giảm các quy định của liên bang mà ông cho là đang hạn chế tạo ra việc làm.
Ông cam kết duy trì mức cắt giảm thuế rộng rãi năm 2017 mà ông ký khi còn đương nhiệm, và nhóm kinh tế của ông đã thảo luận về một đợt cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp bổ sung. Ông từng nói sẽ giảm thuế suất doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với các công ty sản xuất tại Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ nói sẽ chấm dứt việc đánh thuế tiền boa và tiền lương làm thêm giờ, cam kết không đánh thuế hoặc cắt giảm các chế độ phúc lợi xã hội.
Ông từng tuyên bố sẽ gây sức ép để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất. Các nhà phân tích ngân sách cảnh báo rằng hàng loạt chính sách cắt giảm thuế sẽ làm tăng nợ liên bang.
Xóa bỏ các chương trình đa dạng
Ông Trump cam kết sẽ yêu cầu các trường cao đẳng và đại học Mỹ “bảo vệ truyền thống của Mỹ và nền văn minh phương Tây” và xóa bỏ các chương trình đa dạng.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết ông sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp xử lý các vụ kiện chống lại những trường có hành vi phân biệt chủng tộc. Ông cũng sẽ ủng hộ các chương trình cho phép phụ huynh sử dụng tiền công quỹ cho mục đích giáo dục riêng hoặc tôn giáo. Ông Trump cũng muốn để các tiểu bang quản lý việc học hành.
Ông Trump trên sân khấu sau khi có kết quả sớm của cuộc bầu cử ngày 6/11 tại Trung tâm hội nghị Palm Beach, Florida. (Ảnh: Reuters) |
Không áp lệnh cấm phá thai trên cả nước
Ông Trump bổ nhiệm 3 thẩm phán vào Tòa án Tối cao Mỹ trong nhiệm kỳ trước, dẫn đến việc hủy bỏ quyền phá thai dựa trên phán quyết “Roe kiện Wade”. Ông có thể sẽ tiếp tục bổ nhiệm các thẩm phán liên bang để duy trì các giới hạn phá thai.
Tuy nhiên, ông nói rằng áp dụng lệnh cấm phá thai trên toàn quốc là điều không cần thiết và vấn đề này nên được xử lý ở cấp tiểu bang. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nói rằng nên để ngoại lệ với các trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân và sức khỏe của người mẹ bị đe dọa. Ông gợi ý sẽ không tìm cách hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai mifepristone.
Nỗ lực chấm dứt chiến tranh
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump chỉ trích việc Mỹ ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và tuyên bố ông có thể kết thúc chiến tranh trong vòng 24 giờ nếu đắc cử.
Ông gợi ý rằng Ukraine có thể phải nhượng lại một số lãnh thổ của mình nếu muốn đạt được thỏa thuận hòa bình, một ý tưởng mà Ukraine liên tục bác bỏ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng nói rằng khi ông làm tổng thống, Mỹ sẽ xem xét lại cơ bản “mục đích và sứ mệnh của NATO”.
Ông Trump ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza nhưng thúc giục nước này kết thúc cuộc tấn công. Ông Trump có thể sẽ tiếp tục chính sách cung cấp vũ khí cho Israel, đồng thời sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ thù địch lịch sử giữa Israel và Ả-rập Xê-út, điều mà ông đã theo đuổi trong nhiệm kỳ trước.
Ông Trump nói rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ “chấm dứt đau khổ và sự tàn phá ở Li-băng”, nhưng không cho biết sẽ thực hiện như thế nào.
Tổng thống đắc cử Mỹ từng đề xuất xây dựng “mái vòm sắt” – một lá chắn phòng thủ tên lửa khổng lồ tương tự như của Israel – trên toàn bộ lục địa Mỹ. Ông cũng đã đưa ra ý tưởng điều lực lượng vũ trang vào Mexico để chống lại các băng đảng ma túy và sử dụng Hải quân Mỹ để phong tỏa quốc gia đó nhằm ngăn chặn việc buôn lậu fentanyl và các chất gây nghiện khác.
Điều tra kẻ thù, hỗ trợ đồng minh
Ông Trump từng thề sẽ sử dụng các cơ quan thực thi pháp luật liên bang để điều tra những kẻ thù chính trị của mình, bao gồm các quan chức bầu cử, luật sư và nhà tài trợ cho đảng.
Theo hướng đó, ông Trump nói rằng ông sẽ cân nhắc việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra Tổng thống Biden, dù vẫn chưa đưa ra lý do.
Ông Trump tuyên bố sẽ sa thải một công tố viên Mỹ không tuân theo chỉ thị của ông, dù điều này sẽ phá vỡ nguyên tắc lâu đời của Mỹ về tam quyền phân lập.
Ông cũng hứa sẽ cân nhắc việc ân xá cho tất cả những người bị kết tội vì tham gia vụ phá phách Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Giảm quan liêu
Ông Trump tuyên bố sẽ tìm cách xóa bỏ tình trạng mà ông gọi là “nhà nước ngầm”, nghĩa là những viên chức liên bang lâu năm đang thực hiện chương trình của riêng họ. Nỗ lực này có thể vấp phải thách thức ở tòa án.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết sẽ thành lập một hội đồng hiệu quả chính phủ độc lập do tỷ phú Elon Musk đứng đầu để giảm sự cồng kềnh của bộ máy. Ông chưa nêu chi tiết về cách thức hoạt động của cơ quan này.
>> Ông Trump hứa không để con cái tham gia chính phủ mới của Mỹ