spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếPhố Wall chao đảo, dòng vốn tháo chạy: Chuyện gì xảy ra...

Phố Wall chao đảo, dòng vốn tháo chạy: Chuyện gì xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt sau hàng loạt lo ngại về nguy cơ rủi ro tài khóa kéo dài do “bong bóng nợ công”, đẩy đồng USD suy yếu và gây áp lực lên toàn bộ thị trường tài chính Mỹ.

Thị trường tài chính Mỹ chao đảo trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/5 khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, phản ánh làn sóng bán tháo sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia và dự luật ngân sách lớn của Tổng thống Donald Trump vượt qua rào cản quan trọng tại Quốc hội.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng 0,06 điểm phần trăm, chạm mốc 5% trong phiên giao dịch tại châu Á, trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 0,04 điểm phần trăm lên 4,52%. Lợi suất trái phiếu tăng khi giá giảm – dấu hiệu nhà đầu tư đang rút vốn khỏi tài sản chính phủ Mỹ.

Phố Wall chao đảo, dòng vốn tháo chạy: Chuyện gì xảy ra với siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 1
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Đồng thời, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1% và 1,3%. Giá vàng tăng nhẹ 0,5% lên 3.216 USD/ounce troy, trong khi chỉ số USD giảm 0,3% so với rổ tiền tệ chính.

Diễn biến này xảy ra sau khi Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn cuối cùng còn giữ đánh giá AAA cho Mỹ – hạ bậc tín nhiệm vào tối 16/5, với cảnh báo về mức nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Cùng lúc đó, một ủy ban ngân sách chủ chốt của Quốc hội đã thông qua dự luật thuế quy mô lớn của ông Trump vào tối Chủ nhật.

“Dự luật này dường như đang làm tăng áp lực lên đường cong lợi suất dài hạn,” bà Subadra Rajappa, Giám đốc chiến lược lãi suất Mỹ tại Socíeté Générale, nhận định. “Thật khó để xác định rõ nguyên nhân ngoài những tín hiệu từ hành động giá, nhưng xu hướng này có vẻ nhất quán.”

Trước đó vào thứ Sáu (16/5), năm thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện đã bỏ phiếu chống, khiến tiến trình thông qua dự luật bị đình trệ. Tuy nhiên, đến Chủ nhật, dự luật đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tại ủy ban với kết quả sít sao.

Theo Financial Times, Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép lên các nhà lập pháp trong chính đảng của mình nhằm giành được sự ủng hộ cho dự luật. “Các thành viên Cộng hòa PHẢI ĐOÀN KẾT ủng hộ ‘DỰ LUẬT QUAN TRỌNG NÀY 1 LẦN DUY NHẤT!’” ông viết trên mạng xã hội hôm thứ Sáu. “Chúng ta không cần những ‘NGƯỜI PHẢN ĐỐI’ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. NGỪNG NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG ĐI!”

Phố Wall chao đảo, dòng vốn tháo chạy: Chuyện gì xảy ra với siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 2
Đợt bán tháo trái phiếu bắt đầu sau khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách hôm 18/5, ngày sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Mỹ

Dự luật này bao gồm hàng trăm tỷ USD cắt giảm thuế mà không đi kèm với các biện pháp bù đắp từ cắt giảm chi tiêu, làm dấy lên lo ngại về mức thâm hụt ngân sách vốn đã cao. Theo ước tính, thâm hụt liên bang có thể đạt 6,4% GDP vào năm 2024 – mức được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là không bền vững trong dài hạn.

Thâm hụt lớn hơn đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu kho bạc để tài trợ cho khoản thiếu hụt, từ đó làm tăng nguồn cung, đẩy giá trái phiếu giảm và kéo lợi suất tăng cao. Các nhà đầu tư đã sớm phản ứng bằng cách bán tháo trái phiếu, lo ngại về áp lực lạm phát và rủi ro tài khóa gia tăng từ gói cắt giảm thuế này.

Trong khi chính quyền kỳ vọng chính sách giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và cuối cùng giúp thu hẹp thâm hụt, một phân tích độc lập từ Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) dự báo dự luật có thể làm tăng thêm tới 5,2 nghìn tỷ USD vào nợ công của Mỹ trong vòng 10 năm tới.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm không phải là điều quá bất ngờ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và chính sách tài khóa thiếu kiểm soát.

“Việc hạ xếp hạng trái phiếu kho bạc không gây bất ngờ trong bối cảnh chi tiêu tài khóa ngày một hào phóng, không có nguồn tài trợ rõ ràng và thậm chí đang gia tăng,” ông Max Gokhman, Phó Giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton Investment Solutions, nhận định.

“Chi phí trả nợ sẽ tiếp tục leo thang khi các nhà đầu tư lớn – từ chính phủ đến tổ chức – bắt đầu hoán đổi trái phiếu kho bạc sang các tài sản trú ẩn an toàn khác. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy tiêu cực cho lợi suất trái phiếu Mỹ, gây áp lực giảm lên đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.”

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) – bà Christine Lagarde, trong cuộc phỏng vấn với La Tribune Dimanche công bố hôm 17/5, cũng cảnh báo về tác động lan tỏa. Bà cho biết sự suy yếu gần đây của đồng USD so với đồng euro là “nghịch lý”, nhưng phản ánh “sự bất ổn và giảm niềm tin vào chính sách của Mỹ ở một số phân khúc thị trường tài chính.”

Trong một ghi chú gửi khách hàng, chiến lược gia Subadra Rajappa của Socíeté Générale viết: “Lợi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ làm tăng chi phí lãi ròng và thâm hụt ngân sách. Về lâu dài, việc mất đi vị thế là tài sản trú ẩn an toàn của trái phiếu kho bạc sẽ làm suy yếu đồng USD và giảm nhu cầu nước ngoài đối với trái phiếu cũng như các tài sản khác của Mỹ”.

Lợi suất trái phiếu tăng cao không chỉ khiến chi phí đi vay của chính phủ tăng mà còn làm khó thêm cho nỗ lực cắt giảm chi tiêu liên bang, đồng thời đẩy lãi suất vay tiêu dùng – như thế chấp và thẻ tín dụng – lên cao, đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tìm cách trấn an thị trường. Phát biểu trên chương trình Meet the Press của NBC hôm Chủ Nhật, ông Bessent cho rằng Moody’s chỉ đơn thuần phản ánh những điều thị trường đã biết. “Moody’s là một chỉ báo chậm – đó là cách nhiều người nhìn nhận các tổ chức xếp hạng tín dụng”, ông nói, đồng thời khẳng định chính quyền Trump cam kết cắt giảm chi tiêu liên bang và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhằm xoa dịu tâm lý thị trường, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào sáng thứ Hai, nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine – một nỗ lực ngoại giao có thể mang lại hy vọng ổn định địa chính trị trong bối cảnh thị trường tài chính đang chịu nhiều áp lực.

Tham khảo Financial Times, BNN, Wall Street Journal (WSJ)
spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật