spot_img
19.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếQuốc gia châu Á vừa lập kỳ tích lịch sử, sánh ngang...

Quốc gia châu Á vừa lập kỳ tích lịch sử, sánh ngang Mỹ trong lĩnh vực không gian

Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là những quốc gia đã phát triển và thử nghiệm khả năng kết nối này.

Ngày 16/1, Ấn Độ đã đạt được một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực không gian khi trở thành quốc gia thứ tư, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, thực hiện thành công kết nối không gian không người lái.

“Tàu vũ trụ kết nối thành công! Một khoảnh khắc lịch sử”, Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết trên X.

z6234440794625_44f44e736fe51104e2211ece73631004.jpg
Ấn Độ đã đưa hai vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo vào ngày 30/12

Thí nghiệm Kết nối Vũ trụ (SpaDex) của Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng hai tàu vũ trụ nhỏ nặng 220kg có tên Target và Chaser vào quỹ đạo thấp của Trái Đất từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan vào ngày 30/12 bằng tên lửa PSLV sản xuất trong nước.

Hôm nay (16/1), hai tàu vũ trụ này đã gặp nhau và thực hiện ghép nối thành công.

“Chúc mừng các nhà khoa học của ISRO và cộng đồng không gian vì đã chứng minh thành công công nghệ ghép nối vệ tinh. Đây là bước đệm quan trọng cho những sứ mệnh không gian tham vọng của Ấn Độ trong tương lai,” Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ trên X.

Công nghệ ghép nối trong không gian có vai trò thiết yếu đối với các sứ mệnh không gian tương lai, bao gồm bảo trì vệ tinh và các nhiệm vụ phức tạp yêu cầu nhiều lần phóng tên lửa để đạt được mục tiêu.

Theo ISRO, công nghệ ghép nối tự phát triển này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tham vọng của Ấn Độ, như đưa người lên Mặt Trăng, xây dựng trạm không gian riêng và thu hồi mẫu vật từ Mặt Trăng. Công nghệ này cho phép chuyển giao vật liệu giữa các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ, chẳng hạn như tải trọng, mẫu vật từ Mặt Trăng hoặc thậm chí là con người trong tương lai.

Trong khuôn khổ sứ mệnh này, hai tàu vũ trụ ghép nối sẽ chứng minh khả năng chuyển đổi điện năng giữa chúng – điều cần thiết để vận hành các robot không gian, kiểm soát tàu vũ trụ và thực hiện các nhiệm vụ tải trọng trong các sứ mệnh sau này.

z6234448996434_92a94e868466999e76609e2dadd45410.jpg
2 tàu vũ trụ là Target và Chaser đã gặp nhau và thực hiện ghép nối thành công

Trước khi thực hiện ghép nối, Ấn Độ đã tiến hành một thử nghiệm vào Chủ nhật, đưa hai vệ tinh đến gần nhau trong quỹ đạo, cách nhau 3 mét, trước khi tách ra ở khoảng cách an toàn.

Thành công này đến sau khi cuộc thử nghiệm ghép nối bị hoãn hai lần, vào ngày 7 và 9/1, do các vấn đề kỹ thuật và việc các tàu vũ trụ bị trôi quá mức trong một thao tác tiếp cận.

Cuộc đua không gian toàn cầu

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh tham vọng vũ trụ của mình.

Năm 2023, Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ không gian danh giá khi trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu vũ trụ hạ cánh trên Mặt Trăng. Sứ mệnh lịch sử Chandrayaan-3, lần đầu tiên hạ cánh thành công gần cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng, đã mang về những mẫu vật giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của Mặt Trăng.

Ấn Độ đặt mục tiêu thực hiện sứ mệnh đưa phi hành gia vào không gian trong vài năm tới và đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2040 – một thành tựu mà cho đến nay chỉ có Mỹ đạt được.

Quốc gia này cũng đang hướng đến việc xây dựng trạm không gian riêng, mang tên “Bharatiya Antariksha Station”, vào năm 2035. Ngoài ra, Ấn Độ có kế hoạch thực hiện sứ mệnh quỹ đạo đến sao Kim vào năm 2028 và thu hồi mẫu vật từ Mặt Trăng vào năm 2027 trong khuôn khổ chương trình Chandrayaan.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đẩy mạnh thương mại hóa lĩnh vực không gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và đơn giản hóa các quy trình đầu tư nước ngoài. Nỗ lực này tập trung vào việc chế tạo và phóng các vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo thấp với chi phí rẻ hơn.

Trong thử nghiệm ghép nối hôm Chủ nhật, các tàu vũ trụ và tên lửa đã được tích hợp và thử nghiệm tại Ananth Technologies, một công ty tư nhân, đánh dấu lần đầu tiên của Ấn Độ trong lĩnh vực này.

Theo CNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật