spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếQuốc gia có diện tích chỉ bằng 1/450 Việt Nam nhưng đứng...

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/450 Việt Nam nhưng đứng số 1 châu Á về deeptech

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, Singapore đang âm thầm định vị lại mình từ một trung tâm tài chính quốc tế thành điểm đến hàng đầu cho các startup công nghệ sâu (deep tech) tại châu Á.

Trong khi nhiều thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm đầu tư nghiêm trọng, Singapore ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 31% trong đầu tư công nghệ sâu (deeptech) năm 2023. Theo số liệu từ DealStreetAsia và Enterprise Singapore, lĩnh vực này hiện chiếm 25% tổng giá trị giao dịch – vượt xa mức trung bình toàn cầu 20%.

Thành tích này đã đưa Singapore vượt qua nhiều đối thủ, leo lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome năm 2023, dẫn đầu khu vực châu Á. Đặc biệt, đây là bước nhảy vọt đáng kể so với vị trí thứ 18 trong năm 2022.

Sau một thập kỷ nỗ lực phát triển, quốc đảo này đã trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu châu Á với 4.500 startup và hơn 400 quỹ đầu tư mạo hiểm, cùng đội ngũ gần 40.000 nhà nghiên cứu và kỹ sư, theo số liệu từ Startup Genome.

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/450 Việt Nam nhưng đứng số 1 châu Á về deeptech - ảnh 1
Công nghệ sâu (deep tech) bao gồm các lĩnh vực đột phá như AI, robot, chất bán dẫn, vật liệu tiên tiến, … hiện đang là ưu tiên phát triển hàng đầu của Singapore

“Singapore đang đặt nền móng trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ, tương tự vị thế của mình trong ngành hàng không và vận tải,” Edmond Wong, đối tác cấp cao tại iGlobe Partners, nhận định.

Dù có diện tích nhỏ bé, chỉ khoảng 734km2 – xấp xỉ 1/450 diện tích Việt Nam nhưng quốc gia này đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại và vận tải hàng đầu thế giới.

DeepTech (hay còn gọi là Deep Technology) là một thuật ngữ chỉ các công nghệ tiên tiến và đột phá dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật sâu rộng. DeepTech thường được phát triển dựa trên những khám phá và phát minh khoa học mới, và mục tiêu của nó là giải quyết những thách thức lớn hoặc những vấn đề phức tạp trong nhiều lĩnh vực. Các công nghệ này đòi hỏi thời gian, nguồn lực lớn và thường có rủi ro cao nhưng mang lại tiềm năng đổi mới mạnh mẽ.

Một số lĩnh vực nổi bật của DeepTech bao gồm: trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, công nghệ lượng tử, năng lượng tái tạo…

Trong khi các lĩnh vực công nghệ tiêu dùng như thương mại điện tử, gọi xe và thanh toán tại Đông Nam Á đang chứng kiến sự sụt giảm đầu tư đáng kể – tổng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,29 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ và thấp nhất trong 5 năm qua – công nghệ sâu lại nổi bật với đà tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế then chốt của Singapore.

Hành trình phát triển công nghệ sâu tại Singapore không thiếu những thử thách. CEO Eureka Robotics Phạm Quang Cường chia sẻ về những ngày đầu khó khăn: “Việc huy động vốn ban đầu của chúng tôi rất tệ. Tôi đã nói chuyện với hơn 100 nhà đầu tư địa phương nhưng không có kết quả. Lúc đó, công nghệ sâu còn là khái niệm xa lạ với nhiều nhà đầu tư.”

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/450 Việt Nam nhưng đứng số 1 châu Á về deeptech - ảnh 2
Hai nhà đồng sáng lập – TS. Phạm Tiến Hùng (trái) và TS. Phạm Quang Cường (phải) – đứng cạnh robot được trang bị phần mềm công nghệ phản hồi lực – Nguồn: Eureka Robotics

Đến nay, Eureka Robotics đã huy động được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài như University of Tokyo Edge Capital (UTEC). Hiện công ty có nhiều khách hàng lớn từ Nhật Bản như Toyota Motor.

Xu hướng tích cực cũng đang lan rộng khi nhiều quỹ đầu tư truyền thống dần chú ý đến công nghệ sâu. Theo Kiran Mysore, hiệu trưởng tại trường UTEC, các công ty trong lĩnh vực này đang giải quyết các vấn đề có tính ổn định lâu dài. “Các biến động kinh tế không ảnh hưởng lớn đến những thách thức xã hội mà các công ty công nghệ sâu đang nhắm đến.”

NTUitive, bộ phận đổi mới của NTU, đã hỗ trợ hơn 70 startup trong thập kỷ qua, nâng tổng giá trị danh mục lên 1,27 tỷ đô la Singapore vào tháng 3, tăng mạnh từ mức 13,5 triệu SGD năm 2013. “Khác với các công ty internet chủ yếu giải quyết các vấn đề hiệu quả, công nghệ sâu tạo nên ngành công nghiệp mới từ khoa học cơ bản,” David Toh, CEO của NTUitive, chia sẻ.

Singapore không chỉ là trung tâm tài chính mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, đóng góp khoảng 10% sản lượng chip toàn cầu. Thành công ban đầu đã thu hút nhiều “ông lớn” như GlobalFoundries và Micron Technology đến với quốc đảo này.

Trong năm ngoái, khoản đầu tư lớn nhất vào công nghệ sâu tại Singapore là 139 triệu USD của Silicon Box, công ty bán dẫn địa phương. Silicon Box cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Ý, sau khi mở nhà máy đúc chip trị giá 2 tỷ USD tại Singapore.

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/450 Việt Nam nhưng đứng số 1 châu Á về deeptech - ảnh 3
Startup Silicon Box khởi công nhà máy trị giá 2 tỷ USD tại Tampines, Singapore vào tháng 7/2023

Các nhà đầu tư lớn như Temasek Holdings cũng đang đồng hành, hợp tác với NTU và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để đầu tư 75 triệu SGD vào các dự án nghiên cứu. Vào ngày 21 tháng 10, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat thông báo về sự hợp tác với A*STAR nhằm đẩy nhanh thương mại hóa công nghệ sâu, phù hợp với mục tiêu đầu tư R&D chiếm 1% GDP vào năm 2025.

“Công nghệ sâu có tiềm năng chuyển đổi các ngành công nghiệp và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng,” Heng phát biểu sau lễ khai trương văn phòng mới của Xora Innovation, chi nhánh công nghệ sâu của Temasek.

Trong số các công ty danh mục đầu tư của Xora, nổi bật có Cosmos Innovation – một startup Singapore do các cựu nghiên cứu viên tại A*STAR sáng lập. Công ty này đang ứng dụng AI trong phát triển năng lượng mặt trời và bán dẫn. Tổng giám đốc Cosmos, Vijay Chandrasekhar, tin rằng đây là cơ hội để Singapore củng cố vị thế trong ngành sản xuất chip.

“Quốc đảo này đã thành công với vai trò trung tâm tài chính và CNTT toàn cầu. Nhưng nếu thiếu cơ sở sản xuất công nghệ cao, Singapore khó có thể trở thành hệ sinh thái như Thung lũng Silicon”, Yukihiro Maru, giám đốc điều hành UntroD nhận định.

Theo Nikkei Asia

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật