spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếQuốc gia Đông Nam Á quyết không nhượng bộ Mỹ dù mong...

Quốc gia Đông Nam Á quyết không nhượng bộ Mỹ dù mong được hưởng thuế đối ứng 20%

Trong bối cảnh đàm phán thương mại với Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, Malaysia đang cố gắng cân bằng giữa mục tiêu giữ ưu đãi thuế và bảo vệ các chính sách kinh tế nội địa.

Chính phủ Malaysia đang tìm cách hạ mức thuế nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt xuống còn khoảng 20%, nhưng vẫn tỏ ra miễn cưỡng trước một số yêu cầu từ phía Mỹ liên quan đến xe điện và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Theo đó, đoàn đàm phán của Thủ tướng Anwar Ibrahim đang nỗ lực thương lượng để đạt được mức thuế thấp hơn mức 25% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8, tương đương các nước láng giềng trong khu vực như Indonesia và Việt Nam.

Malaysia đã có tiến triển trong việc giải quyết lo ngại của Mỹ về việc buôn lậu chip bán dẫn hiệu suất cao, nhưng vẫn bác bỏ các yêu cầu từ Washington như gia hạn ưu đãi thuế cho xe điện Mỹ, nới giới hạn sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng và tài chính, cũng như cắt giảm trợ cấp cho ngư dân trong nước.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Zafrul Aziz gần đây bày tỏ lạc quan rằng 2 bên có thể đạt thỏa thuận về thuế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về rủi ro từ các hiệp định được triển khai kém hiệu quả, cho thấy những thách thức mà những nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào thương mại đang phải đối mặt trong quá trình đàm phán khó đoán với chính quyền ông Trump.

Quốc gia Đông Nam Á mong được hưởng thuế đối ứng 20% nhưng quyết không nhượng bộ về xe điện - ảnh 1
Malaysia đang tìm cách giảm mức thuế 25% mà Mỹ sắp áp dụng xuống còn khoảng 20%. Ảnh: Newsroom

Hôm 21/7, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh rằng Chính phủ Malaysia đã vạch ra “giới hạn đỏ” trong các cuộc đàm phán thương mại, đặc biệt liên quan đến chính sách ưu tiên dành cho người Mã Lai và cộng đồng bản địa.

Malaysia đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Washington liên quan đến cáo buộc nước này là điểm trung chuyển chip AI tiên tiến sang Trung Quốc. Mỹ đã cấm xuất khẩu các dòng chip cao cấp sang Trung Quốc từ năm 2022, nhưng tuần trước chính quyền ông Trump đã cho phép Nvidia nối lại việc giao hàng dòng chip H20.

Trong khi đó, Malaysia cho biết họ chưa phát hiện bằng chứng về hoạt động trung chuyển, song đã siết chặt quy định trong ngành. Các cá nhân và doanh nghiệp hiện buộc phải xin giấy phép để xuất khẩu chip AI của Mỹ, đồng thời phải thông báo cho MITI nếu biết hoặc nghi ngờ chip có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc cho các hoạt động bị hạn chế.

Xe điện, ngư nghiệp và quyền sở hữu nước ngoài

Theo một số nguồn tin, các quan chức Malaysia không muốn kéo dài ưu đãi thuế cho xe điện Mỹ, vì điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể phải áp dụng chính sách tương tự cho những nước khác. Quốc gia này dự kiến sẽ chấm dứt việc miễn thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt với xe điện nhập khẩu vào tháng 12 tới.

Quốc gia Đông Nam Á mong được hưởng thuế đối ứng 20% nhưng quyết không nhượng bộ về xe điện - ảnh 2
Malaysia bác bỏ nhiều yêu cầu từ Washington như gia hạn ưu đãi thuế cho xe điện Mỹ, nới lỏng sở hữu nước ngoài và cắt trợ cấp ngư dân. Ảnh: The Business Times

Ngoài ra, việc sửa đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng không dễ dàng. Bộ trưởng Zafrul nói rằng một số yêu cầu từ phía Mỹ có thể không công bằng với Malaysia và Chính phủ sẽ cần tham vấn các bên liên quan trước khi có bất kỳ thay đổi nào.

Bên cạnh đó, phía Mỹ còn yêu cầu Malaysia cắt giảm trợ cấp cho ngư dân trong nước và hạn chế đánh bắt quá mức – điều mà các nhà đàm phán nước này coi là can thiệp vào chính sách nội bộ. Đa số ngư dân tại Malaysia là người Mã Lai, một nhóm cử tri then chốt với chính quyền hiện tại.

Thỏa thuận với Mỹ có ý nghĩa quan trọng với Malaysia, quốc gia đang theo đuổi một hiệp định thương mại với Washington suốt nhiều tháng qua. Chính phủ nước này trước đó đã tuyên bố sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay, vốn được đặt ở mức 4,5 – 5,5% tùy thuộc vào mức thuế cuối cùng được áp dụng.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, năm ngoái Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa 24,8 tỷ USD với Malaysia.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật