Mức thuế quan mới của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 45,3% đã có hiệu lực vào thứ Tư (30/10) sau cuộc điều tra kéo dài.
Mười thành viên EU trong đó có bao gồm Pháp, Ba Lan và Ý đã ủng hộ thuế quan trong cuộc bỏ phiếu trong tháng này, trong đó 5 thành viên bao gồm Đức phản đối và 12 thành viên bỏ phiếu trắng.
Nguồn tin mà Reuters có được cho biết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bao gồm BYD, SAIC và Geely đã được thông báo tại một cuộc họp do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức vào ngày 10/10 rằng họ nên tạm dừng các kế hoạch đầu tư tài sản lớn như các nhà máy ở các quốc gia ủng hộ đề xuất này.
Động thái của Trung Quốc nhằm đình chỉ một số khoản đầu tư vào châu Âu cho thấy chính phủ đang tìm kiếm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với EU về một giải pháp thay thế cho thuế quan, mong muốn tránh sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu xe điện sang thị trường chính.
Theo tính toán của Reuters sử dụng dữ liệu từ Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (CPCA), châu Âu chiếm hơn 40% lượng xe điện được nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2023.
Với mức thuế 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ và Canada, việc xuất khẩu xe điện sang châu Âu giảm sẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải đối mặt tại thị trường trong nước.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào tháng 9, một công ty Trung Quốc đã đồng ý xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Tây Ban Nha để sản xuất máy móc dùng cho sản xuất hydro. Tây Ban Nha là một trong 12 quốc gia EU bỏ phiếu trắng.
Ý và Pháp nằm trong số các quốc gia EU đang kêu gọi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc để đầu tư, nhưng họ cũng cảnh báo về những rủi ro mà làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc gây ra cho các nhà sản xuất châu Âu.
Nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc là SAIC đang chọn một địa điểm cho một nhà máy sản xuất xe điện tại châu Âu và đã có kế hoạch riêng để mở trung tâm phụ tùng châu Âu thứ hai tại Pháp trong năm nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với những chiếc xe thương hiệu MG của mình.
Chính phủ Ý đang đàm phán với Chery – nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc theo kim ngạch xuất khẩu – và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác về các khoản đầu tư tiềm năng.
BYD đang xây dựng một nhà máy tại Hungary – quốc gia đã bỏ phiếu chống lại thuế quan. BYD cũng đang cân nhắc việc chuyển trụ sở chính tại châu Âu từ Hà Lan sang Hungary do lo ngại về chi phí.
Ngay cả trước khi Trung Quốc ban hành hướng dẫn này, các công ty Trung Quốc đã thận trọng về việc thành lập các địa điểm sản xuất độc lập tại châu Âu, vì điều này đòi hỏi số tiền đầu tư lớn và hiểu biết sâu sắc về luật pháp và văn hóa địa phương.
Các nhà sản xuất ô tô cũng được thông báo tại cuộc họp ngày 10/10 rằng họ nên tránh các cuộc thảo luận đầu tư riêng biệt với các chính phủ châu Âu và thay vào đó hãy hợp tác để tổ chức các cuộc đàm phán tập thể.
Chỉ thị này tiếp nối một cảnh báo tương tự vào tháng 7 khi Bộ Thương mại khuyến nghị các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không nên đầu tư vào các quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, và phải thận trọng khi đầu tư vào châu Âu.