Cho đến nay, robot thường được biết đến với khả năng hỗ trợ con người trong những nhiệm vụ đơn giản như phục vụ thức ăn, dọn dẹp nhà cửa hay hỗ trợ làm những công việc thường ngày. Thế nhưng, một bước tiến lớn của robot đã khiến các nhà nghiên cứu tin rằng AI có thể thay đổi cả nền y học, khi một con robot đã thực hiện phẫu thuật cắt túi mật với tỷ lệ thành công lên đến 100% mà không cần tới con người.
Tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, các robot phẫu thuật được hỗ trợ bởi hệ thống AI hai tầng và đào tạo thông qua 17 đoạn phim quay cảnh bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật lấy nội tạng từ lợn chết, bao gồm 16.000 chuyển động. Theo nghiên cứu, tám ca phẫu thuật trên nội tạng lợn do robot đảm nhiệm đã được thực hiện với tỷ lệ chính xác tuyệt đối.

>> Robot cao 70cm rủ 12 robot khác đào tẩu khỏi nơi làm việc, khiến giới công nghệ sửng sốt
Trong thử nghiệm, robot chỉ mất hơn năm phút để thực hiện ca phẫu thuật, bao gồm việc cắt túi mật khỏi vị trí kết nối với gan, kẹp sáu kẹp theo thứ tự cụ thể và lấy túi mật ra. Điều đặc biệt là, robot tự điều chỉnh hướng đi mà không cần sự trợ giúp của con người trong mỗi ca phẫu thuật.
Robot phẫu thuật sẽ chậm hơn một chút so với bác sĩ người thật, nhưng chúng ít giật cục hơn và vạch ra quỹ đạo ngắn hơn giữa các động tác cần thực hiện. Theo một bài báo được đăng trên tạp chí Science Robotics, robot cũng có khả năng liên tục sửa lỗi trong quá trình hoạt động, sử dụng các công cụ khác nhau và dễ dàng thích nghi với sự thay đổi về mặt giải phẫu.

Học viện Phẫu thuật Hoàng gia Anh cho rằng đây là một bước phát triển thú vị và đầy hứa hẹn, trong khi John McGrath, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật bằng robot tại Anh, lại chia sẻ rằng: “Kết quả này thật ấn tượng, tôi tin rằng nó sẽ đưa chúng ta tiến xa hơn vào thế giới tự động hóa”.
Axel Krieger, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một quy trình phẫu thuật với mức độ tự chủ thực sự rất cao. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một nghiên cứu mang tính bước ngoặt thực sự lớn khi một ca phẫu thuật mô mềm khó khăn như vậy có thể được thực hiện tự động”.

Bước ngoặt này đã mở ra cho robot khả năng sao chép hàng loạt các kỹ năng của những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất trên thế giới, đồng thời cũng làm dấy lên hy vọng phẫu thuật tự động cho con người trong vòng một thập kỷ tới. McGrath, chủ tịch ủy ban chỉ đạo robot của NHS England, cho biết: “Một ngày nào đó, có thể sẽ có một bác sĩ phẫu thuật giám sát nhiều ca phẫu thuật tự động bằng robot cùng lúc, thực hiện các thủ thuật đơn giản như phẫu thuật thoát vị hoặc cắt bỏ túi mật nhanh hơn, chính xác hơn con người và ít gây tổn hại đến các cấu trúc cơ thể xung quanh”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các bác sĩ không cần phải lo lắng bị “thay thế”. Bởi phẫu thuật tự động vẫn còn một chặng đường dài mới có thể triển khai lâm sàng, các thử nghiệm trên nội tạng lợn chết không kiểm tra được khả năng phản ứng của robot đối với việc bệnh nhân di chuyển và thở, máu chảy trong khu vực phẫu thuật, chấn thương ngoài ý muốn, khói từ quá trình đốt điện hay chất lỏng trên ống kính máy ảnh.
Các chuyên gia cho biết, để việc phẫu thuật tự động có thể được tiến hành trên con người, bước tiếp theo cần làm là để robot tiến hành phẫu thuật trên vật sống, “nơi mà việc thở và chảy máu có thể khiến mọi thứ trở nên phức tạp”.
Theo: Times of India, New York Post, The Guardian.