Trung Quốc vừa đạt được bước tiến quan trọng khi ra mắt trạm gốc di động 5G quân sự đầu tiên trên thế giới, sau khi vượt qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt, hiện đã sẵn sàng triển khai trên chiến trường.
Được phát triển chung bởi Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Mobile Communications Group) và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trạm này có khả năng phục vụ 10.000 người dùng trong phạm vi 3km với tốc độ truyền dữ liệu cực cao và độ trễ thấp.
Điểm nổi bật của hệ thống này là khả năng duy trì thông lượng 10 gigabit/giây và độ trễ dưới 15 mili giây, ngay cả khi các quân nhân PLA di chuyển ở tốc độ 80 km/h trong địa hình phức tạp và chịu nhiễu điện từ.
Chi tiết kỹ thuật được công bố trong một bài báo trên tạp chí Viễn thông Khoa học Trung Quốc ngày 17/12, với tác giả chính là kỹ sư cao cấp Hou Jie từ Đơn vị 31567 của PLA.
Sự tiến bộ này đã mở đường cho việc sử dụng quy mô lớn các cỗ máy chiến tranh thông minh. Trung Quốc đang xây dựng quân đội không người lái lớn nhất thế giới, và những chiếc drone mạnh mẽ nhưng giá rẻ, chó robot và các nền tảng chiến đấu không người lái khác dự kiến sẽ vượt qua số lượng lính người trên các chiến trường tương lai.
Tuy nhiên, công nghệ viễn thông quân sự hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu khổng lồ giữa hàng nghìn robot.
5G quân sự khác biệt đáng kể so với phiên bản dân sự. PLA yêu cầu kết nối liên tục ngay cả khi không có trạm gốc mặt đất hoặc khi tín hiệu vệ tinh bị gián đoạn. Ngoài ra, ăng-ten lắp trên các phương tiện truyền thông phải không quá 3m để tránh va phải các chướng ngại vật như tòa nhà hay cây cối, điều này ảnh hưởng mạnh đến phạm vi phủ sóng của tín hiệu chất lượng cao.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học từ China Mobile và kỹ sư quân đội đã phát triển một nền tảng di động độc đáo: một hệ thống có thể gắn trên nóc xe quân sự, trang bị 3-4 drone hoạt động luân phiên như các trạm gốc trên không. Các drone này có thể tự động thay phiên nhau hoạt động và sạc pin, đảm bảo kết nối liên tục.
PLA đã thực hiện “nhiều bài kiểm tra” với hệ thống này và xác nhận rằng nó có thể “giải quyết hiệu quả các vấn đề như mất kết nối và tốc độ thấp thường gặp trong ứng dụng thực tế”, từ đó đạt được “triển khai an toàn, tin cậy và nhanh chóng”.
Một thách thức lớn đã được giải quyết là vấn đề nhiễu điện từ. Nhóm nghiên cứu đã phát triển trạm truyền thông có khả năng phát công suất lên tới 400MW trong điều kiện bị nhiễu, đồng thời vẫn duy trì mức tiêu thụ năng lượng thấp.
5G quân sự cũng tận dụng các công nghệ dân sự mới nhất của Trung Quốc. Đến tháng 11/2024, Trung Quốc đã xây dựng gần 4,2 triệu trạm gốc 5G dân sự, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác.
“Việc vận hành một mạng lưới rộng lớn như vậy chắc chắn đòi hỏi các công cụ và phương tiện tự động mạnh mẽ, trong đó công nghệ tự động mở trạm là một trong những công cụ đó. Nó có thể hoàn thành tự động các nhiệm vụ như sản xuất dữ liệu trạm gốc mạng lõi, tải dữ liệu, cấu hình tham số cơ bản và các nhiệm vụ khác”, nhóm của Hou viết.
Họ đã trực tiếp đưa các công cụ tự động mở trạm dân dụng vào phiên bản quân sự và thực hiện một số thay đổi nhỏ để đạt được khả năng chuyển đổi tự động giữa drone và trạm gốc mặt đất, có thể hoàn thành trong nháy mắt.
Vào năm 2020, Hoa Kỳ đã triển khai chiến dịch quân sự hóa công nghệ 5G lớn nhất thế giới, nhưng tiến độ khá chậm do các thách thức kỹ thuật. Theo thông tin công khai, hệ thống 5G.MIL của Lockheed Martin và Verizon vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm quy mô nhỏ, với độ trễ lên đến 30 mili giây cho khoảng cách 100m, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của PLA.
Theo SCMP