Tại sự kiện CES 2025 diễn ra tại Las Vegas, CEO Jensen Huang của Nvidia đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt như một ngôi sao nhạc rock, khi công ty sản xuất chip của ông đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn thứ 2 thế giới nhờ làn sóng AI bùng nổ.
Trong bài phát biểu kéo dài gần 2 giờ trước 12.000 khán giả, phong cách trình bày của ông Huang khiến nhiều người liên hệ với cách Steve Jobs từng ra mắt sản phẩm tại các sự kiện của Apple.
Kết thúc bài phát biểu, ông Huang gây bất ngờ với một “chiêu bài” giống Apple: ra mắt sản phẩm mới. Ông giới thiệu một giá máy chủ của Nvidia, sau đó, qua màn trình diễn đầy ấn tượng, ông cầm lên một phiên bản nhỏ hơn nhiều, trông giống như một khối lập phương nhỏ.
“Đây là một siêu máy tính AI”, Huang nói, mặc một chiếc áo khoác da cá sấu. “Nó vận hành toàn bộ hệ thống AI của Nvidia. Tất cả phần mềm của Nvidia chạy trên hệ thống này”.
Ông Huang cho biết máy tính này có tên là Project Digits, sử dụng GPU Grace Blackwell, một phiên bản liên quan đến GPU đang cung cấp sức mạnh cho các cụm máy chủ AI tiên tiến nhất. Sản phẩm này được trang bị GPU Grace Blackwell kết hợp với CPU Grace dựa trên ARM, được phát triển cùng với công ty bán dẫn MediaTek của Trung Quốc để tạo ra hệ thống chip GB10.
CES, trước đây là Triển lãm Điện tử Tiêu dùng, thường là nơi ra mắt các thiết bị tiêu dùng sáng tạo và tương lai. Năm nay, nhiều công ty đã công bố tích hợp AI vào các thiết bị gia dụng, laptop và thậm chí cả bếp nướng. Một số thông báo đáng chú ý bao gồm laptop Lenovo với màn hình cuộn dọc và robot hút bụi tích hợp cánh tay robot.
Khác với dòng GPU gaming truyền thống, Project Digits nhắm đến đối tượng khách hàng là các nhà nghiên cứu học máy, doanh nghiệp nhỏ và các trường đại học – những đơn vị muốn phát triển AI nhưng không đủ nguồn lực để đầu tư vào trung tâm dữ liệu hay dịch vụ điện toán đám mây.
“Hiện nay có một khoảng trống lớn đối với các nhà khoa học dữ liệu và nhà nghiên cứu học máy, những người đang làm việc tích cực và xây dựng cái gì đó,” Huang nói. “Có thể bạn không cần cụm máy chủ khổng lồ; bạn chỉ đang phát triển các phiên bản mô hình ban đầu và cần lặp lại liên tục. Bạn có thể làm điều đó trên đám mây, nhưng chi phí sẽ cao hơn rất nhiều”.
Công ty cho biết siêu máy tính này sẽ có giá khoảng 3.000 USD khi ra mắt vào tháng 5 và sẽ được bán thông qua Nvidia cũng như các đối tác sản xuất. Tên gọi ‘Project Digits’ hiện chỉ là tên tạm thời, có thể thay đổi khi sản phẩm chính thức được tung ra thị trường.
“Chắc chắn là nếu bạn có một tên gọi hay cho nó, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi”, ông Huang nói.
Đa dạng hóa kinh doanh
Đây là một sản phẩm rất khác biệt so với các GPU truyền thống đã giúp Nvidia đạt được thành công lịch sử trong 2 năm qua.
OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, cùng với Anthropic đã phải hợp tác với các nhà cung cấp đám mây lớn để mua GPU trung tâm dữ liệu của Nvidia nhờ khả năng xử lý các mô hình và tải công việc tính toán nặng.
Trong quý gần nhất, doanh thu từ trung tâm dữ liệu chiếm 88% tổng doanh thu 35 tỷ USD của Nvidia.
Phố Wall đang tập trung vào khả năng đa dạng hóa kinh doanh của Nvidia để công ty ít phụ thuộc vào một số ít khách hàng mua các hệ thống AI khổng lồ.
“Thật sự hơi đáng sợ khi thấy Nvidia ra mắt một sản phẩm tốt đến vậy với giá rẻ như vậy”, nhà phân tích Ben Reitzes của Melius Research viết trong một báo cáo tuần này. Ông cho rằng Nvidia có thể đã “làm choáng ngợp sự kiện”, nhờ vào Project Digits cũng như các thông báo khác, bao gồm thẻ đồ họa dành cho game, chip robot mới và thỏa thuận với Toyota.
David Bader, Giám đốc Viện Khoa học Dữ liệu tại NJIT, nhận xét rằng Project Digits mang lại một bước tiến lớn về khả năng cho các nhà nghiên cứu và trường đại học. Ông cho biết thiết bị này có thể xử lý đủ dữ liệu để đào tạo các mô hình tiên tiến nhất.
Ông chia sẻ với CNBC, với khả năng xử lý dữ liệu ngang tầm với các hệ thống trị giá 100 triệu USD của các gã khổng lồ công nghệ như Anthropic, Google và Amazon, sản phẩm này chỉ có giá 3.000 USD và có thể dễ dàng sử dụng tại nhà hoặc văn phòng.
“Bất kỳ sinh viên nào có thể sở hữu một trong những hệ thống này với chi phí tương đương một chiếc laptop cao cấp hoặc laptop chơi game sẽ có thể thực hiện nghiên cứu và xây dựng những mô hình tương tự”, Bader nói.
Reitzes nhận định đây có thể là bước đi đầu tiên của Nvidia vào thị trường chip PC và laptop trị giá 50 tỷ USD.
“Không quá khó để tưởng tượng rằng Nvidia có thể tự làm tất cả và cho phép hệ thống chạy Windows một ngày nào đó”, Reitzes viết, “dù hiện tại họ có vẻ thận trọng trong vấn đề này”.
CEO Jensen Huang cũng đã xác nhận MediaTek sẽ cung cấp chip GB10 cho các nhà sản xuất máy tính khác, đồng thời úp mở về những kế hoạch đầy hứa hẹn trong tương lai.
Theo CNBC