Giếng thăm dò địa nhiệt sâu nhất của Trung Quốc, Fushenre-1, đã hoàn thành quá trình khoan vào tuần trước và hiện sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Thành công này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực khai thác năng lượng tái tạo dưới lòng đất của quốc gia này nhằm thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải carbon.
Nằm ở tỉnh đảo Hải Nam (phía Nam Trung Quốc), giếng này đã khoan xuyên qua một tầng đá granite có tuổi đời 250 triệu năm và đạt độ sâu ấn tượng là 5.200m. Đây là kỷ lục mới về giếng khoan địa nhiệt thăm dò sâu nhất của nước này.
Bên trong cấu trúc cổ xưa này, nguồn tài nguyên địa nhiệt với nhiệt độ hơn 188 độ C đã được phát hiện – đại diện cho một bước tiến lớn trong tiềm năng năng lượng tái tạo của khu vực.
Ông Guo Xusheng, nhà địa chất trưởng của tập đoàn năng lượng Trung Quốc Sinopec, cho biết năng lượng địa nhiệt là một dạng năng lượng tái tạo ổn định, ít carbon với trữ lượng lớn và phân phối rộng rãi.
Theo Cục Điều tra địa chất Trung Quốc, trữ lượng nguồn địa nhiệt đá nóng ở độ sâu từ 3.000 – 10.000m dưới diện tích đất liền của Trung Quốc tương đương với 856 nghìn tỷ tấn than tiêu chuẩn.
Chỉ cần khai thác được 2% nguồn tài nguyên này, chúng có thể đạt mức tiêu thụ năng lượng hàng năm gấp 2.993 lần của Trung Quốc vào năm 2023.
Sau khi khoan thành công vào tháng 4, Sinopec đã tiến hành phá vỡ tầng đá, bơm nước lạnh để khai thác nhiệt lượng. Giếng này hiện đang được phát triển thành một nền tảng nghiên cứu cho việc chuyển đổi công nghiệp các nguồn địa nhiệt có nhiệt độ cao.
Công ty cũng thiết lập gần 100 triệu m3 công suất sưởi ấm địa nhiệt và lên kế hoạch cho một số dự án sưởi ấm địa nhiệt khu vực.
Theo CGTN