Trong khi nhiều chuyên gia tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc như một dấu hiệu của trật tự thế giới đang thay đổi, một xu hướng quan trọng khác đang dần hiện rõ: sự nổi lên của các cường quốc tầm trung.
Các nhà lãnh đạo G20 có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G-20 Washington năm 2008. Hầu hết các thành viên của G20 là các cường quốc hạng trung (middle power) – Nguồn: Wikipedia |
Các quốc gia này, với tiềm lực vượt trội so với nhiều nước trong khu vực nhưng chưa đạt tầm siêu cường, đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trên trường quốc tế. Chiến lược chính của họ là theo đuổi lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế thông qua các kênh đa phương và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng, các cường quốc tầm trung đang tạo ra sự khác biệt đáng kể. Họ đóng vai trò then chốt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các bên, đề xuất giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, và sẵn sàng làm cầu nối ngoại giao trong các cuộc xung đột quốc tế.
Các nhà phân tích cho rằng, sự trỗi dậy của nhóm quốc gia này có thể tác động sâu sắc đến cán cân quyền lực toàn cầu trong những thập kỷ tới. Điều này đòi hỏi một cái nhìn mới về cấu trúc và động lực của hệ thống quốc tế đương đại.
Cường quốc tầm trung được định nghĩa theo nhiều cách. Xét về nội tại, những quốc gia này có quy mô dân số và địa lý đáng kể, có sức mạnh (sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự) và tham vọng nhất định, và tổng hòa các yếu tố trên nằm giữa cường quốc nhỏ và cường quốc lớn.
Trong số 193 quốc gia trên thế giới hiện nay, có khoảng hai chục quốc gia được xếp vào nhóm cường quốc hạng trung và phần lớn nằm ở Nam bán cầu.
Sự phân bổ của các cường quốc hạng trung trên toàn cầu (màu xanh) – Nguồn: Geopolitics Compass |
Trong khi tất cả cường quốc hạng trung ở Bắc bán cầu đều cam kết với các hiệp ước quân sự, hầu hết các cường quốc trung bình ở Nam bán cầu đều không thích các ràng buộc đồng minh quân sự để phòng ngừa rủi ro chiến lược. Đây là một trong số các đặc điểm nổi bật định hình các cường quốc tầm trung là yếu tố lớn trong sự thay đổi quyền lực toàn cầu.
Hiện nay, con số các cường quốc hạng trung đã tiến đến mức cao nhất trong lịch sử và sẽ còn tăng lên khi các quốc gia như Pakistan, Mông Cổ và Ethiopia đủ điều kiện gia nhập hàng ngũ này.
Bên cạnh số lượng, “chất lượng” – sức mạnh của các cường quốc trung bình của Nam Bán cầu thường mạnh hơn và giàu hơn so với khi Phong trào Không liên kết ra đời cách đây sáu thập kỷ. Một sự so sánh giữa cường quốc tầm trung và 1 cường quốc truyền thống trong NATO có sự tương quan về quy mô sẽ chỉ ra lý do của sự khác biệt.
Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ lớn hơn Vương quốc Anh. Ở Trung Đông, Ả Rập Xê Út chi tiêu cho quân sự gấp nhiều lần Pháp về mặt này, trong khi Hàn Quốc bỏ xa Ý trong khoản này. Đến năm 2030, sức mua tương đương (PPP) được dự báo của Indonesia, Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi sẽ lớn hơn Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển.
Khi các cường quốc tầm trung mạnh lên, những thế lực trung gian này sẽ có được sự tự tin và cảm giác được hưởng quyền lợi từ việc làm cầu nối và không bị ràng buộc.
Xây dựng một trật tự thế giới mới
Ông Dino Patti Djalal, cựu đại sứ Indonesia tại Hoa Kỳ, nhận định trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh không còn phù hợp với các cường quốc tầm trung ở Nam bán cầu.
Các quốc gia này đang tìm kiếm con đường riêng, phát triển các diễn đàn và lý luận độc lập của riêng họ như chương trình nghị sự Thế kỷ Châu Á, Thế kỷ Châu Phi và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đặc điểm nổi bật của các cường quốc tầm trung là vai trò ngày càng tăng trong việc định hình sự kiện khu vực. Ví dụ, Indonesia là nước đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN và cả ASEAN+ để đảm bảo các cường quốc bên ngoài tuân thủ quy tắc trong khu vực và tối đa hóa tầm ảnh hưởng phi quân sự.
Xu hướng hợp tác giữa các cường quốc tầm trung cũng ngày càng trở nên rõ nét. Họ đang xích lại gần nhau, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bất chấp những cạnh tranh đang diễn ra xung quanh. Indonesia, chẳng hạn, hiện có khối lượng thương mại với Ấn Độ vượt qua cả Hoa Kỳ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, cụ thể là dự án đóng tàu ngầm – một hợp tác chiến lược khó có thể thực hiện với bất kỳ cường quốc phương Tây, Nga hay Trung Quốc nào.
Trong khi các quốc gia phương Tây bắt đầu giảm rủi ro từ Trung Quốc và Nga, và khi không gian đối thoại giữa họ đang thu hẹp lại, các cường quốc tầm trung của Nam Bán cầu đang hình thành các mối liên kết kinh tế, ngoại giao và chiến lược chưa từng có với nhau. Ba cường quốc tầm trung của Nam bán cầu – Indonesia, Ấn Độ và Brazil – đang luân phiên đảm nhiệm chức chủ tịch G20, tạo ra một cơ chế “bộ ba” để tăng cường phối hợp chính sách.
Nhưng cũng có một chủ nghĩa thực dụng mới khiến họ phá vỡ những điều cấm kỵ cũ: Ấn Độ và Indonesia đã tham gia vào các thỏa thuận đối tác chiến lược mạnh mẽ với Hoa Kỳ, điều được coi là không tưởng nếu đặt vào bối cảnh lịch sử 40 năm trước.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif duyệt đội danh dự tại Nhà Thủ tướng ở Islamabad vào ngày 4/3 sau khi quốc gia này chính thức bước vào hàng ngũ cường quốc tầm trung |
Điều này không chỉ đúng ở Nam bán cầu; các cường quốc trung bình ở Bắc bán cầu cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Một số trong số họ, trong khi vẫn duy trì các liên minh hiệp ước do đề phong Trung Quốc, phần đa vẫn muốn theo đuổi các đường lối ngoại giao và đối nội độc lập.
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO từ 1952, đã duy trì quan hệ với Moscow và đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine. Nước này cũng có lập trường đối đầu với Israel về vấn đề Gaza, trái ngược với phần lớn các nước châu Âu.
Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, vẫn kiên định chính sách hợp tác chặt chẽ với ASEAN, bất chấp sự thay đổi trong chính sách của Washington đối với khu vực.
Úc đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi tăng cường quan hệ song phương với Indonesia. Năm 2022, Thủ tướng Anthony Albanese là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên xác nhận tham dự Hội nghị G20 tại Bali, bất chấp khả năng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự hợp tác ngày càng tăng giữa các cường quốc tầm trung đang tác động đáng kể đến cán cân quyền lực toàn cầu. Họ đang tạo ra một môi trường thuận lợi để quản lý rủi ro và mở rộng cơ hội trong các vấn đề quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, thông qua việc tăng cường hợp tác đa phương và xây dựng lòng tin, các cường quốc tầm trung có thể góp phần giảm thiểu cạnh tranh địa chính trị và thúc đẩy một trật tự thế giới ổn định hơn.
Với chiến lược đa dạng hóa quan hệ và phòng ngừa chiến lược, các quốc gia này đang định hình một thế giới đa cực bền vững hơn. Điều này có thể dẫn đến một trật tự quốc tế công bằng và toàn diện hơn trong tương lai.
Theo Nikkei Asia, Foreign Affairs