spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTên lửa của SpaceX phát nổ 3 lần liên tiếp, giấc mơ...

Tên lửa của SpaceX phát nổ 3 lần liên tiếp, giấc mơ sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk ngày càng xa vời

Starship – tên lửa lớn nhất lịch sử do SpaceX phát triển – tiếp tục gặp sự cố trong chuyến bay thử thứ ba liên tiếp, đặt ra nhiều thách thức cho tham vọng chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa của Elon Musk.

Ngày 27/5, tên lửa Starship – phương tiện phóng thế hệ mới và lớn nhất từng được chế tạo của SpaceX – đã phát nổ trong chuyến bay thử nghiệm, đánh dấu lần thất bại thứ ba liên tiếp của chương trình được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho hành trình đưa con người lên Mặt Trăng và sao Hỏa.

Theo thông báo từ SpaceX, hệ thống phóng gồm tầng đẩy Super Heavy và phần thân trên Starship đã rời bệ phóng tại cơ sở Boca Chica, Nam Texas, vào lúc 18h36 (giờ địa phương). Sự kiện được phát trực tiếp và thu hút hơn 1,1 triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Vài phút sau khi rời mặt đất, tầng đẩy Super Heavy tách thành công khỏi thân Starship và bắt đầu quy trình tái hạ cánh xuống Vịnh Mexico. Tuy nhiên, trong quá trình quay trở lại khí quyển, tầng đẩy gặp sự cố kỹ thuật và phát nổ. Theo bình luận viên củaSpaceX, vụ nổ diễn ra trước thời điểm dự kiến va chạm mạnh với mặt biển, vốn đã nằm trong kịch bản thử nghiệm.

Trong khi đó, phần thân Starship tiếp tục bay lên không gian và đạt độ cao theo kế hoạch. Tuy nhiên, SpaceX không thể hoàn thành mục tiêu triển khai các mô hình vệ tinh giả – vốn là một trong những nhiệm vụ thử nghiệm quan trọng của chuyến bay. Theo các kỹ sư tại hiện trường, cửa khoang chứa vệ tinh không thể mở như dự kiến, dẫn đến việc kết thúc sớm hành trình bay và đánh dấu một điểm thất bại khác.

Khoảng 35 phút sau khi thực hiện nhiệm vụ, khi Starship lao nhanh vào khí quyển Trái Đất trong hành trình quay trở lại, tín hiệu truyền hình trực tiếp bắt đầu bị gián đoạn. Tại một thời điểm, bình luận viên Dan Huot của SpaceX thông báo rằng công ty đã mất khả năng kiểm soát tư thế bay (attitude control) của Starship – con tàu đang quay không kiểm soát và không thể thiết lập lại quỹ đạo để tái nhập khí quyển một cách an toàn. Bình luận viên Jessie Anderson sau đó xác nhận: “Phương tiện đã không thể vượt qua thử thách và gặp sự cố toàn diện.”

Theo Huot, nguyên nhân dẫn đến mất kiểm soát có thể liên quan đến sự rò rỉ trong hệ thống bình nhiên liệu trên tàu. “Chúng tôi đã phải xử lý một số rò rỉ trên tàu”, ông nói, ám chỉ đến lỗi kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng điều hướng của Starship.

Dù vậy, SpaceX tiếp tục khẳng định triết lý phát triển của mình là “thử nghiệm để học hỏi.” “Chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, lặp lại và cải tiến,” Anderson cho biết.

Chuyến bay hôm 27/5 được đánh giá là có mức độ rủi ro đặc biệt cao. Trong hai chuyến bay thử nghiệm trước đó vào tháng 1 và tháng 3, Starship đều phát nổ chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng, gây ra cảnh tượng các mảnh vỡ rơi như mưa xuống Vịnh Mexico và buộc giới chức hàng không phải tạm ngưng một số hoạt động trong khu vực.

Trái với những kỳ vọng ban đầu, lần phóng thứ ba không đạt được những tiến bộ từng thấy ở chuyến bay trước – khi Starship không chỉ vượt qua tầng khí quyển mà còn bay một phần vòng quanh Trái Đất và tái nhập khí quyển tương đối thành công, dù không hạ cánh trọn vẹn.

Với ba lần phóng đều kết thúc bằng sự cố, chương trình Starship tiếp tục đối mặt với những thách thức kỹ thuật lớn, dù SpaceX và Elon Musk vẫn cam kết theo đuổi mục tiêu biến Starship thành phương tiện chở người lên Mặt Trăng và sao Hỏa trong tương lai không xa.

Starship được thiết kế để mang theo lượng tải trọng lớn hơn bất kỳ phương tiện nào từng được phát triển, phục vụ cho các sứ mệnh không gian tầm xa, bao gồm chương trình Artemis của NASA đưa người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này. Tỷ phú Elon Musk từng tuyên bố Starship sẽ đóng vai trò then chốt trong kế hoạch thuộc địa hóa sao Hỏa của ông.

Những thất bại trong quá khứ

SpaceX cho biết nguyên nhân khiến chuyến bay thử nghiệm vào tháng 1 thất bại là do rung động mạnh bất thường trong quá trình bay, khiến tình trạng rò rỉ nhiên liệu trở nên nghiêm trọng và dẫn đến hỏa hoạn bao trùm toàn bộ thân tàu. Đối với sự cố trong chuyến bay vào tháng 3, công ty xác định một trong các động cơ Raptor của Starship có thể đã gặp sự cố phần cứng, dẫn đến việc nhiên liệu bị hòa trộn sai thời điểm và gây ra vụ nổ.

Tên lửa của SpaceX phát nổ 3 lần liên tiếp, giấc mơ sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk ngày càng xa vời - ảnh 1
Tên lửa đẩy Super Heavy của SpaceX

Cả hai sự cố đã được SpaceX điều tra kỹ lưỡng và công ty tuyên bố đã thực hiện các điều chỉnh kỹ thuật nhằm ngăn chặn các lỗi tương tự trong tương lai. Dù các vụ nổ đều xảy ra ở giai đoạn tương tự trong quá trình bay, SpaceX khẳng định đây là hai lỗi hoàn toàn khác biệt về nguyên nhân. Công ty cũng cho biết những phương tiện Starship thế hệ sau sẽ được trang bị động cơ Raptor 3 mới – được thiết kế với hiệu suất cao hơn và độ tin cậy tốt hơn so với các phiên bản trước.

Bất chấp chuỗi thất bại trong ba lần phóng gần đây, SpaceX vẫn đạt được một số cột mốc công nghệ ấn tượng. Năm ngoái, công ty lần đầu tiên “bắt” được tầng đẩy Super Heavy khổng lồ – một trong những phần quan trọng nhất của hệ thống phóng – trở lại tháp phóng sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây được xem là bước đột phá trong quá trình hiện thực hóa tên lửa tái sử dụng hoàn toàn.

Trong lần phóng thử thứ chín này, SpaceX không thực hiện thao tác “bắt” tầng đẩy trong không trung. Thay vào đó, công ty lựa chọn sử dụng lại một trong những tầng đẩy Super Heavy từng được thu hồi trước đó – đánh dấu lần đầu tiên SpaceX tái sử dụng tầng đẩy của Starship trong một nhiệm vụ thử nghiệm.

Theo SpaceX, Starship được phát triển với mục tiêu hoàn toàn tái sử dụng, giảm mạnh chi phí phóng và thay thế dần dòng tên lửa chủ lực hiện tại là Falcon 9 và Falcon Heavy. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng này, công ty phải giải quyết thành công những thách thức kỹ thuật lớn trong việc thu hồi và tái sử dụng toàn bộ các bộ phận cấu thành tên lửa – từ tầng đẩy đến thân tàu.

Tham khảo CNN, Business Insider

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật