Dự án an ninh lương thực của Indonesia đối mặt nhiều chỉ trích
Với tham vọng tự chủ về lương thực, Indonesia muốn triển khai trồng lúa và mía trên diện tích rộng lớn tại khu vực phía Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng kế hoạch đó của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể trở thành dự án phá rừng lớn nhất thế giới, đe dọa các loài động vật quý hiếm và cam kết khí hậu của Jakarta.

Mục tiêu tối thiểu của dự án là trồng hàng triệu héc-ta lúa và mía tại tỉnh Nam Papua, đặc biệt là khu vực Merauke. Đáng chú ý, một triệu héc-ta tương đương với diện tích của cả nước Lebanon.
>> Indonesia thẳng thừng từ chối bán gạo cho nước láng giềng Malaysia: Cơ hội vàng cho gạo Việt Nam
Để phục vụ dự án, theo ông Franky Samperante thuộc tổ chức phi Chính phủ bảo vệ môi trường và quyền lợi người bản địa Yayasan Pusaka Bentala Rakyat, tính đến cuối năm ngoái, hơn 11.000 héc-ta rừng (diện tích lớn hơn cả thủ đô Paris của Pháp) đã bị chặt phá. Theo phân tích của nhóm vận động Mighty Earth và công ty khởi nghiệp bảo tồn The TreeMap, con số đó chỉ có thể tăng lên.
Các phân tích cho thấy khu vực bị chặt phá bao gồm cả rừng khô tự nhiên nguyên sinh và thứ sinh, rừng ngập mặn thứ sinh, đồng cỏ savan và bụi cây. Những vùng đất than bùn giàu carbon – nơi sinh sống của những loài động vật quý hiếm – đang bị đe dọa.
“Bi kịch” hiện hữu
Chính phủ Indonesia tuyên bố rằng đất bị nhắm đến là đất đã suy thoái, đã được canh tác hoặc cần được “tối ưu hóa” và xem thường một số khu vực chỉ là vùng đầm lầy.
Tuy nhiên các nhà bảo vệ môi trường cho rằng Chính phủ Indonesia đã hiểu sai về hệ sinh thái địa phương. “Tại Nam Papua, cảnh quan và hệ sinh thái là rừng đất thấp”, ông Samperante nói. “Thường có những quan niệm sai lầm hoặc coi nhẹ giá trị của hệ sinh thái này”, ông nói thêm. Bản đồ của Mighty Earth cho thấy dự án đe dọa nhiều loại hệ sinh thái – bao gồm đất than bùn và rừng, những khu vực lẽ ra phải được bảo vệ bởi lệnh cấm phá rừng của Chính phủ.
Ông Hurowitz nói: “Điều đáng tiếc trong dự án này là Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phá vỡ mối liên hệ giữa việc mở rộng nông nghiệp và nạn phá rừng. Thật không may, dự án này có nguy cơ phá hoại mọi thành quả”.
Indonesia hiện có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới và Papua là nơi còn giữ được nhiều diện tích rừng nguyên sinh nhất. Tổ chức tư vấn CELIOS cảnh báo rằng việc phá rừng diện rộng có thể làm chệch hướng kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Jakarta.
Với Chính phủ của Tổng thống Prabowo Subianto, những chỉ trích về dự án này bị xem là phớt lờ thực tế nông nghiệp và kinh tế của Indonesia. Ông đã đặt dự án là ưu tiên hàng đầu và khảo sát nó ngay sau khi nhậm chức.
Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Prabowo khẳng định Indonesia đang trên lộ trình chấm dứt nhập khẩu gạo vào cuối năm 2025, đồng thời tái khẳng định nhu cầu độc lập về năng lượng.
Theo Jakarta Post