Tại thành phố Lạc Dương (Trung Quốc) với dân số 7 triệu người, chuyên gia dự đoán sẽ cần đến 8 năm để khu vực này bán hết số lượng nhà bỏ trống hiện tại nếu không có căn hộ mới nào được xây dựng và doanh số nhà đất vẫn duy trì tốc độ chậm chạp.
Đây là một điểm nóng của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, nơi nhiều năm xây dựng quá mức đã biến các quận trở thành “nghĩa địa nhà ở” với những bãi đất hoang trải dài bằng bê tông.
Việc xây dựng thừa là vấn đề được đem ra tranh cãi trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2010, khái niệm “thành phố ma” bắt đầu gây sự chú ý, phản ánh tình trạng xuất hiện nhiều khu vực bỏ hoang.
Một cựu phó Giám đốc cục thống kê từng ước tính rằng, phải cần toàn bộ dân số Trung Quốc mới có thể lấp đầy hết các căn nhà trống này.
The Economist cho biết, tính đến tháng 7 vừa qua, Trung Quốc có khoảng 32 triệu căn nhà chưa bán được. Ngoài ra, có tới 49 triệu căn hộ không người ở hoặc được mua để đầu tư nhưng bị bỏ trống.
Từ ngày 24/9, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế. Ngân hàng trung ương điều chỉnh một số điều khoản tín dụng, cho phép các ngân hàng thương mại tái cấp vốn 100% các khoản vay cho doanh nghiệp Nhà nước. Chính quyền cũng dự kiến dành khoảng 4 nghìn tỷ NDT dưới hình thức trái phiếu đặc biệt để giúp các địa phương mua lại các khu đất và căn hộ bỏ hoang.
Tuy nhiên, tốc độ thực thi kế hoạch vẫn còn chậm chạp. Chủ tịch Ding Zu Yu của Shanghai CRIC Info Tech tiết lộ, tính đến tháng 7, số nhà đã mua lại trong kế hoạch này chỉ chiếm khoảng 1,9% tổng số căn hộ tồn đọng.
Chuyên gia lưu ý nếu không tăng tốc triển khai, kế hoạch này có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, giá nhà liên tục bị giảm cũng kéo theo niềm tin của giới đầu tư. S&P Global dự báo chi tiêu cho nhà mới sẽ giảm mạnh, từ mức 16 nghìn tỷ NDT vào năm 2021 xuống còn một nửa trong năm nay.
Công ty môi giới Tianfeng Securities tính toán rằng chính quyền trung ương sẽ phải chi đến 7 nghìn tỷ NDT để mua toàn bộ số căn nhà bỏ trống trên cả nước, một con số vượt xa khả năng chi trả hiện tại của Nhà nước.
Bà Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Creditsights Singapore LLC, nhận định rằng kế hoạch mua lại nhà tồn khó có thể mở rộng do thiếu vốn và việc ngân hàng cùng các doanh nghiệp Nhà nước phải gánh rủi ro tín dụng.
Kế hoạch này được cho là một giải pháp quan trọng nhằm giảm cung nhà ở, nhưng các địa phương hiện vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ trung ương.
Dữ liệu công bố cho thấy đến cuối tháng 6, chỉ 4% trong số 300 tỷ NDT cho vay lại của ngân hàng Trung Quốc (PBOC) được giải ngân – tương đương 12,1 tỷ NDT (1,7 tỷ USD). Điều này nhấn mạnh những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt trong nỗ lực khôi phục thị trường địa ốc đang suy thoái và giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.