spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếThế giới 'đứng ngồi không yên' trước giờ ông Trump công bố...

Thế giới ‘đứng ngồi không yên’ trước giờ ông Trump công bố áp thuế

Chuyên gia kinh tế nhận định động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo lộn trật tự thương mại dựa tồn tại hàng thập kỷ, gây ra phản ứng dữ dội trên thị trường tài chính và từ các đối tác thương mại toàn cầu. Thị trường như quả “bom nổ chậm”, chực chờ nổ tung sau khi chính sách thuế của ông Trump có hiệu lực.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố thuế quan tương hỗ mới trong ngày 2/4 (theo giờ Mỹ). Động thái này được ông Trump gọi là “Ngày giải phóng” của nước này. Kế hoạch đang hoàn thiện, dự kiến ông Trump công bố trong buổi lễ tại Vườn hồng Nhà Trắng vào cuối giờ chiều (giờ miền Đông nước Mỹ, tức rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam), khả năng có hiệu lực lập tức sau khi công bố.

Thị trường chứng khoán, giá vàng chao đảo

Thị trường tài chính toàn cầu phản ứng mạnh mẽ trước thông tin Mỹ áp thuế mới. Chỉ số chuẩn STOXX 600 của châu Âu giảm 1,1% trong ngày, chủ yếu do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm, một trong những lĩnh vực nhạy cảm với thay đổi chính sách thuế từ Mỹ.

Các chỉ số đo lường biến động như V2TX và MOVE đồng loạt tăng, cho thấy sự gia tăng mức độ lo ngại của các nhà đầu tư.

Chris Scicluna – chuyên gia kinh tế của Daiwa Capital – nhận định: “Dù có bất kỳ thay đổi nào đưa ra ngày 2/4, rất khó để tin rằng chính sách thuế mới có thể giữ nguyên trong 9 tháng tới. Sắp tới sẽ liên tục có các cuộc đàm phán. Hiện chưa thể đánh giá đầy đủ tác động chính sách kinh tế, lãi suất hay thị trường chứng khoán”.

Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng nhẹ sau khi giảm vào đầu phiên. Dow Jones kết thúc thấp hơn. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai trên S&P và Nasdaq giảm từ 0,8 – 1,0%, báo hiệu phiên giao dịch kế tiếp ngập trong sắc đỏ.

Thế giới 'đứng ngồi không yên' trước giờ ông Trump công bố áp thuế ảnh 1
Thị trường chứng khoán, giá vàng và nhiên liệu như “bom nổ chậm” chờ động thái của Nhà Trắng.

Ben Bennett – chiến lược gia đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Legal & General Investment Management – cho biết: “Thuế quan tạo áp lực lớn lên tâm lý kinh doanh, có thể dẫn đến sự suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu trong các tháng tới”.

Giá vàng – tài sản được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh bất ổn tài chính – tăng 0,5% lên mức 3.125 USD/ounce, thấp hơn một chút so với mức cao kỷ lục đạt được hôm thứ Ba. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 19%, sau khi tăng 27% trong năm 2024 (mức tăng trưởng hằng năm tốt nhất trong hơn một thập kỷ).

Ngược lại, giá dầu có xu hướng giảm, với dầu Brent giảm 0,6% còn 74,06 USD/thùng và dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,55% xuống còn 70,81 USD/thùng.

“Nín thở’ chờ động thái của Nhà Trắng

Theo các thông tin rò rỉ do Reuters thu thập, kế hoạch thuế quan mới của ông Trump có thể bao gồm mức thuế phổ cập 20%. Thuế áp dụng lên hầu hết quốc gia, thay vì tập trung vào một số quốc gia hoặc sản phẩm cụ thể. Mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu dự kiến có hiệu lực ngày 3/4.

Tổng thống Mỹ tuyên bố chính sách thuế nhằm cân bằng các mức thuế đang thấp hơn tại Mỹ nhưng lại cao hơn từ đối tác thương mại. Ông còn cho rằng chính sách chống lại rào cản phi thuế quan bất lợi cho hàng xuất khẩu Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự mơ hồ trong cách triển khai khiến thị trường tài chính và doanh nghiệp tê liệt chờ đợi.

Bà Christine Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu – cảnh báo mức thuế mới có thể gây thiệt hại cho các bên liên quan. “Thuế quan từ Mỹ gây tác động tiêu cực toàn cầu, với mức độ và thời gian khác nhau tùy theo phạm vi, sản phẩm bị ảnh hưởng, thời gian kéo dài và khả năng đàm phán”, bà Christine Lagarde nói trên sóng đài phát thanh Newstalk, Ireland.

Trong bối cảnh thông tin thuế quan còn mơ hồ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu – từ ngành ô tô, vận tải đến hàng xa xỉ – tạm dừng các quyết định chiến lược.

Peter Sand – chuyên gia phân tích tại Xeneta – bình luận: “Bạn không thể đưa ra quyết định quan trọng về chuỗi cung ứng nếu luật chơi thay đổi liên tục”.

Một cựu quan chức thương mại cho biết khả năng cao Tổng thống Mỹ áp dụng thuế quan phổ cập với mức thấp hơn. Tuy nhiên, phạm vi quốc gia bị ảnh hưởng vượt quá con số 15 từng đề cập, gây tác động sâu rộng hơn dự kiến.

Thế giới 'đứng ngồi không yên' trước giờ ông Trump công bố áp thuế ảnh 2
Áp lực đè nặng thị trường trước thời khắc ông Trump tuyên bố chính sách thuế có hiệu lực.

Ông Trump lập luận rằng, thỏa thuận thương mại tự do trong nhiều thập kỷ làm suy yếu lao động và sản xuất nội địa, góp phần thâm hụt thương mại hàng hóa vượt quá 1.200 tỷ USD, trong khi thị trường hàng hóa nhập khẩu lên tới 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Đại học Yale, việc áp thêm thuế 20% lên mức thuế hiện hành có thể khiến một hộ gia đình trung bình Mỹ phải chi trả thêm ít nhất 3.400 USD mỗi năm – gánh nặng đáng kể trong bối cảnh lạm phát và tăng trưởng chững lại.

Gia tăng sự căng thẳng, trả đũa từ các quốc gia

Sau hơn 10 tuần kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump đưa ra hàng loạt mức thuế, gồm 20% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc liên quan đến fentanyl; khôi phục thuế 25% đối với thép và nhôm; mở rộng phạm vi áp thuế lên các sản phẩm hạ nguồn trị giá gần 150 tỷ USD.

Điểm đáng lo ngại là tính chồng chéo giữa các loại thuế. Ví dụ, một chiếc ô tô sản xuất tại Mexico trước đây chỉ bị áp mức thuế 2,5% khi nhập vào Mỹ, nay phải chịu cả thuế fentanyl và thuế ô tô, nâng tổng thuế suất lên đến 52,5%, chưa kể các mức thuế tương hỗ tiềm tàng.

Tình trạng bất ổn này khiến giá trị cổ phiếu Mỹ “bốc hơi” gần 5.000 tỷ USD kể từ giữa tháng 2. Trong khi đó, đồng USD tăng nhẹ và các loại tiền tệ khác duy trì trong biên độ hẹp, thể hiện tâm lý chờ đợi.

Thế giới “đứng ngồi không yên”, phản ứng quyết liệt. Chính phủ các quốc gia và khu vực, từ Liên minh châu Âu đến Canada, Mexico và Australia, lên tiếng thực hiện biện pháp trả đũa nếu Mỹ thông qua mức thuế phi lý.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese và đối thủ chính trị Peter Dutton đều khẳng định bảo vệ quyền lợi quốc gia, đặc biệt chú ý khả năng cao Mỹ đánh thuế vào mặt hàng thịt bò.

“Nếu phải đấu tranh với ông Donald Trump hay bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác để thúc đẩy lợi ích quốc gia, tôi sẽ làm ngay lập tức”, Dutton nói trong cuộc phỏng vấn với Sky News Australia.

Thủ tướng Canada Mark Carney và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng hội đàm về việc phối hợp đối phó trước các hành động thương mại “không hợp lý” từ phía Mỹ.

Theo Reuters, CNBC

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật