Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du chính thức tới vùng Vịnh vào ngày 13/5, với các điểm dừng tại Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây là chuyến đi mang nhiều ẩn số chính trị – từ các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đến các thỏa thuận về dầu mỏ, thương mại, đầu tư và công nghệ cao.
Truyền thông Mỹ cho rằng trong chuyến đi này, ông Trump có thể gọi vùng “Vịnh Ba Tư” theo cách các nước Ả Rập mong muốn: “Vịnh Ả Rập” – một động thái chắc chắn sẽ làm dậy sóng tại Tehran, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vẫn đang căng thẳng.

Hàng loạt tuyên bố lớn có thể sắp được đưa ra
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có rất nhiều tuyên bố được công bố, trên nhiều lĩnh vực khác nhau,” bà Monica Malik, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Abu Dhabi Commercial Bank (ADCB), chia sẻ với CNBC. Một trong những nội dung đáng chú ý là khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu 10% đối với thép và nhôm – một động thái có lợi cho các nước vùng Vịnh dù tỷ trọng hai mặt hàng này không lớn trong GDP khu vực.
Ông Trump vốn có quan hệ thân thiết với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, đặc biệt là UAE và Ả Rập Xê Út – nơi gia đình ông từng đầu tư nhiều dự án bất động sản. Mối quan hệ cá nhân này có thể tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại, dù vẫn dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích – cáo buộc mà phía Trump luôn phủ nhận.
Hội nghị đầu tư Mỹ–Ả Rập quy tụ dàn “ông lớn” phố Wall và Thung lũng Silicon
Cùng thời điểm ông Trump có mặt tại Riyadh, một diễn đàn đầu tư lớn giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út sẽ diễn ra với sự tham dự của các CEO hàng đầu như Larry Fink (BlackRock), Alex Karp (Palantir), cùng lãnh đạo của Citigroup, IBM, Qualcomm, Alphabet, Franklin Templeton và đặc phái viên Nhà Trắng về AI và tiền số – David Sacks.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận đầu tư mới được công bố theo cả hai chiều,” bà Malik cho biết. “UAE gần đây đã công bố hàng loạt khoản đầu tư vào Mỹ trong các lĩnh vực như AI, năng lượng, nhôm… nhưng cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ tăng hiện diện tại khu vực”.
Ả Rập Xê Út và UAE đang đổ tiền vào hạ tầng AI với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, cả hai vẫn bị giới hạn tiếp cận chip AI tiên tiến do lo ngại về an ninh quốc gia từ phía Washington.
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi. Chính quyền Trump vừa tuyên bố sẽ hủy bỏ quy định “kiểm soát lan tỏa AI” từ thời Biden – vốn hạn chế xuất khẩu chip AI cao cấp sang cả các quốc gia đồng minh. Một quy định “đơn giản hơn, thúc đẩy đổi mới và đảm bảo vị thế dẫn đầu AI của Mỹ” sẽ được thay thế – theo Bộ Thương mại Mỹ. Chi tiết vẫn chưa được công bố.
Tập đoàn AI G42 của UAE – đơn vị từng bị nghi ngờ có liên hệ với Trung Quốc – đã nỗ lực điều chỉnh để phù hợp với quy định của Mỹ, bao gồm việc cắt quan hệ với các đối tác Trung Quốc và hợp tác cùng Microsoft, đơn vị đã rót 1,5 tỷ USD vào G42 hồi năm ngoái.
Năng lượng hạt nhân và đàm phán hạt nhân
Một trong những nội dung gây chú ý khác là chương trình hạt nhân. Chính quyền Trump đang nối lại đối thoại với Iran – điều từng vấp phải phản đối gay gắt từ các nước Ả Rập dưới thời Tổng thống Obama. Nhưng hiện tại, cả UAE và Ả Rập Xê Út đều ủng hộ đàm phán.
Ngoài ra, Riyadh còn muốn Mỹ hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân dân sự của mình. Trước đây, bất kỳ sự hỗ trợ nào của Mỹ đều đi kèm điều kiện Ả Rập Xê Út phải bình thường hóa quan hệ với Israel – nhưng theo một số nguồn tin, điều kiện này có thể sẽ thay đổi trong chuyến thăm lần này.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright hồi tháng 4 từng cho biết hai nước “đang trên đường” đi đến một thỏa thuận hạt nhân dân sự, nhưng mọi công bố chính thức sẽ do ông Trump công bố.
Tương lai Gaza và các cuộc ngừng bắn
Một chủ đề “nóng” khác là dải Gaza. Ông Trump tuyên bố muốn kết thúc cuộc chiến, đồng thời đưa ra đề xuất gây tranh cãi rằng Mỹ có thể “kiểm soát” khu vực này – nơi ông mô tả là “bất động sản quan trọng”. Đề xuất này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các lãnh đạo Ả Rập.
Hiện tại, Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 21 ngày và trao đổi con tin, trong khi Israel đã thông qua kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự và kiểm soát lãnh thổ tại Gaza.
“Thế giới Ả Rập vẫn chưa đưa ra một kế hoạch tổng thể nào,” ông Greg Branch, Giám đốc công ty tư vấn tài chính Branch Global Capital Advisors có trụ sở tại UAE, bình luận. “Nếu phản ứng sẽ do các nước Ả Rập dẫn dắt, thì bây giờ là thời điểm quyết định. Đây có thể là rủi ro địa chính trị dài hạn nhiều hơn là mối lo ngại kinh tế ngắn hạn”.
Giá dầu và bài toán tài chính
Một trong những nội dung trọng tâm khác là dầu mỏ. Ông Trump từng nhiều lần gây áp lực buộc OPEC, do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, phải tăng sản lượng để giảm giá dầu tại Mỹ. Hiện Riyadh vẫn đang làm điều đó, nhưng nếu giá dầu tiếp tục thấp, họ có thể buộc phải đảo chiều – đặc biệt trong bối cảnh tài khóa thâm hụt và chi tiêu công tăng cao để thực hiện tầm nhìn 2030.
Trong bối cảnh này, bà Malik cho rằng “tài chính” sẽ là một chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận sắp tới.
Hồi tháng 11, Ả Rập Xê Út từng cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong nhiệm kỳ Trump, nhưng bản thân nước này cũng cần nhiều nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các dự án đầy tham vọng trong nước. Việc giá dầu duy trì ở mức thấp đã khiến Riyadh phải đối mặt với áp lực thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Theo CNBC
>> Trung Quốc âm thầm ‘cắm cờ’ tại hơn 30 cảng biển, EU vội vã ‘vá’ lỗ hổng an ninh