spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếThuế quan của Mỹ lại đang ‘mang Trung Quốc vĩ đại trở...

Thuế quan của Mỹ lại đang ‘mang Trung Quốc vĩ đại trở lại’?

Các quốc gia châu Á sẽ điều chỉnh lại các mối quan hệ đối tác và liên minh liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Theo ký giả Karishma Vaswani, Bắc Kinh được dự báo sẽ hưởng lợi bất chấp rào cản thuế quan.

“Cư xử tử tế với các đồng minh”, đó là lời khuyên của Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns, khi được hỏi Washington nên làm gì để vượt qua Bắc Kinh trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu. Đây là lời khuyên mà Tổng thống Donald Trump nên ghi nhớ nếu nước Mỹ muốn duy trì vị thế tại châu Á.

Thuế quan của Mỹ lại đang ‘mang Trung Quốc vĩ đại trở lại'? - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 2/4/2025 – Ảnh: Carlos Barria/Reuters

Hiện tại, các quốc gia châu Á đang cố gắng đàm phán để thoát khỏi vòng xoáy thuế quan của ông Trump. Về lâu dài, họ sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác với nhau. Đồng thời, những nước này cũng sẽ cân nhắc việc xích lại gần siêu cường không trừng phạt họ bằng các loại thuế mới, mặc dù các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã phần nào làm giảm sức hút của nước này. Washington đang bỏ lỡ cơ hội tận dụng sự lo ngại trong khu vực đối với các hành động của Bắc Kinh.

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, một loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm bị chậm tiến độ

Việc nhắm vào các đối thủ như Trung Quốc là điều dễ hiểu, khi ông Trump muốn sửa chữa những “bất công” mà ông cho rằng các đối tác thương mại đã gây ra cho nước Mỹ. Nhưng một số quyết định khác thì thật khó hiểu.

Theo Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns, tổn hại đến uy tín của Mỹ sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Điều này sẽ thể hiện qua các quyết định về đối tác thương mại, liên minh an ninh, nguồn cung vũ khí, viện trợ phát triển và chia sẻ thông tin tình báo.

Mỹ có nguy cơ đánh mất lợi thế tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Là một cường quốc hàng hải, Mỹ đã phát triển nền kinh tế thông qua thương mại quốc tế và duy trì tuyến đường biển thông suốt, qua đó góp phần giữ ổn định toàn cầu, theo giáo sư Sally Paine tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ.

Washington và các đối tác không chỉ trở nên giàu có hơn, mà còn an toàn hơn. Điều này giúp Mỹ duy trì lợi thế chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều mà chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng thừa nhận trong chuyến công du gần đây tới khu vực.

Nhưng hiện nay, Washington đang đứng trước nguy cơ đánh mất lợi thế đó. Một khảo sát gần đây với hơn 2.000 người Đông Nam Á, do Viện ISEAS–Yusof Ishak thực hiện trước khi các mức thuế mới được công bố, đã chỉ ra điều này.

Kết quả cho thấy nếu buộc phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh, phần lớn người được hỏi vẫn nghiêng về Mỹ, chủ yếu vì lo ngại Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự ở các khu vực như Biển Đông. Đây là sự đảo ngược so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm hiện tại, có khả năng kết quả sẽ khác.

>> Thương chiến Mỹ-Trung sắp tạm lắng?

Thuế quan của Mỹ lại đang ‘mang Trung Quốc vĩ đại trở lại'? - ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới – Ảnh: Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters

Chính phủ các nước châu Á đã bắt đầu cân nhắc các lựa chọn. Các Bộ trưởng kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Kuala Lumpur, Malaysia với mục tiêu xây dựng phản ứng chung.

Các quốc gia như Malaysia và Singapore – những nước được hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa đã lên tiếng về thiệt hại do thuế quan gây ra. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cảnh báo nguy cơ thế giới trở nên nguy hiểm hơn, tương tự như những năm 1930 khi “các cuộc chiến thương mại leo thang thành xung đột vũ trang và cuối cùng dẫn đến Thế chiến II”.

Trung Quốc tăng cường “sức hút” trong khu vực

Khác với Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Donald Trump, chính quyền Bắc Kinh lại tỏ ra rất biết cách đối xử tốt với bạn bè. Vào tháng 12, Trung Quốc hạ mức thuế về 0 đối với một số sản phẩm từ các quốc gia kém phát triển mà nước này có quan hệ ngoại giao.

Trung Quốc cũng là động lực chính của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) — hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 15 quốc gia chiếm 29% GDP toàn cầu (theo số liệu năm 2022). Nhiều quốc gia châu Á có thể sẽ muốn tham gia RCEP để giảm tác động từ chính sách kinh tế của Mỹ.

Trung Quốc cũng đang tiến hành một chiến dịch “tạo sự quyến rũ” trong khu vực.

Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau, cùng kêu gọi thúc đẩy dòng chảy thương mại cởi mở, công bằng và cam kết tăng cường quan hệ kinh tế bất chấp những thù địch trong quá khứ. Dù chưa có thỏa thuận nào, nhưng việc cuộc gặp diễn ra đã cho thấy ba nước này sẵn sàng hợp tác hơn trong bối cảnh mới.

Thông thường, hợp tác an ninh sẽ đi sau hợp tác kinh tế, nhưng hiện tại, chưa ai có thể thay thế người tiêu dùng Mỹ.

Chi tiêu hộ gia đình tại “xứ sở cờ hoa” trong năm 2023 đạt 19 nghìn tỷ USD, gấp đôi Liên minh châu Âu (EU) và gần gấp 3 lần Trung Quốc. Khi bị dồn vào chân tường, các quốc gia sẽ thích nghi và Bắc Kinh đang cung cấp đúng những gì họ cần để điều hướng một bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi.

Các quốc gia “mắc kẹt ở giữa” sẽ điều chỉnh về dài hạn

Để tự bảo vệ khỏi những tác động kinh tế tiêu cực tiếp theo, các quốc gia châu Á sẽ buộc phải hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời vẫn duy trì quan hệ với Mỹ. Đây là một liên minh họ muốn gìn giữ bất chấp sự bất ổn hiện tại, bởi nó đã góp phần nâng cao thu nhập và mức sống trên toàn khu vực.

Việc bắt tay với các đối tác khác cũng đang chịu tác động từ Washington như Liên minh châu Âu cũng là một hướng đi khôn ngoan, bởi có nhiều bất bình chung. Quan hệ quốc phòng và quân sự cũng có thể được điều chỉnh. Một số kế hoạch đã được cân nhắc, ví dụ như việc Nhật Bản và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thảo luận để tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào vì khẩu hiệu “Mang nước Mỹ vĩ đại trở lại” mới chỉ bắt đầu. Khi cả hai siêu cường thế giới Mỹ – Trung đều có hành xử đáng ngờ, các quốc gia “mắc kẹt ở giữa” đang cố gắng giảm thiểu tổn thất.

Các nước châu Á đang tìm cách thích nghi, nhưng về lâu dài sẽ có sự điều chỉnh chiến lược. Những gì khởi đầu là một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang có khả năng tái định hình bản đồ địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với “đất nước tỷ dân” ở vị trí trung tâm theo hướng “mang Trung Quốc vĩ đại trở lại”.

Theo CNA

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật