Ngân hàng Tây Ban Nha Banco Santander đã vượt UBS của Thụy Sĩ để trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ gây chấn động ngành tài chính khu vực.
Theo dữ liệu từ FactSet, chốt phiên giao dịch ngày 16/4, UBS ghi nhận vốn hóa thị trường ở mức 97,23 tỷ USD, sau khi cổ phiếu ngân hàng này lao dốc mạnh sau thông báo áp thuế hôm 2/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, vốn hóa của Banco Santander đạt 103,78 tỷ USD.
Diễn biến trái chiều giữa 2 cổ phiếu đã kéo dài trong nhiều tháng. Dữ liệu từ LSEG cho thấy, cổ phiếu UBS giảm 17,2% từ đầu năm đến nay, trong khi Santander tăng gần 35%.

Cả hai ngân hàng, cùng với phần lớn lĩnh vực tài chính châu Âu, đều chịu áp lực từ chính sách bảo hộ thương mại của Nhà Trắng – vốn làm lu mờ triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thuế quan và làm dấy lên lo ngại suy thoái tại Mỹ.
Washington đã áp thuế 20% với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, nhưng tạm thời giảm xuống 10% theo lệnh hoãn kéo dài 90 ngày được ông Trump công bố hôm 9/4.
Trong khi đó, Thụy Sĩ – quốc gia không thuộc EU – sẽ đối mặt với mức thuế cao hơn, lên tới 31% sau khi lệnh hoãn kết thúc. Chính quyền Mỹ cũng cảnh báo có thể áp thêm thuế với thuốc nhập khẩu – một đòn giáng vào ngành dược Thụy Sĩ, vốn ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý IV/2024 và đóng góp đáng kể vào xuất khẩu quốc gia.
Khác biệt về mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ
Hai ngân hàng lớn nhất châu Âu lục địa có mức độ hiện diện tại Mỹ rất khác nhau.
Banco Santander hiện là 1 trong 5 đơn vị cho vay ô tô lớn nhất nước Mỹ và đang mở rộng hoạt động thông qua quan hệ đối tác mới với tập đoàn viễn thông Verizon. Dù vậy, lợi nhuận từ thị trường Mỹ năm 2024 chỉ chiếm khoảng 9% tổng lợi nhuận của ngân hàng.
Ngược lại, Mỹ là thị trường trọng yếu của mảng quản lý tài sản toàn cầu – lĩnh vực cốt lõi và sinh lời cao của UBS. Theo báo cáo thường niên, khoảng một nửa tài sản đầu tư của UBS năm ngoái tập trung tại khu vực châu Mỹ.
Triển vọng của UBS càng trở nên mờ mịt hơn do những bất định xoay quanh khả năng các cơ quan quản lý Thụy Sĩ sẽ yêu cầu ngân hàng này tăng vốn sau khi thương vụ tiếp quản Credit Suisse sụp đổ.
Lợi nhuận của ngân hàng này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi đồng franc Thụy Sĩ mạnh lên — vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động. Đồng tiền này đã tăng khoảng 8% so với USD kể từ khi Mỹ áp đợt thuế gần nhất.
Theo CNBC