spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTiêm kích 'Made in China' lập công lớn trên bầu trời Pakistan,...

Tiêm kích ‘Made in China’ lập công lớn trên bầu trời Pakistan, cổ phiếu quốc phòng Trung Quốc tăng sốc

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang nóng trở lại, kéo theo làn sóng tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu quốc phòng Trung Quốc, sau khi xuất hiện thông tin Pakistan sử dụng vũ khí do Trung Quốc chế tạo để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

Theo truyền thông nhà nước Pakistan, Ngoại trưởng Ishaq Dar hôm thứ Tư tuyên bố nước này đã triển khai tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất trong một cuộc đụng độ với lực lượng không quân Ấn Độ.

Dòng tiêm kích J-10C được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), thông qua công ty con là AVIC Chengdu Aircraft. Cổ phiếu của AVIC Aerospace – công ty con khác chuyên sản xuất máy bay quân sự và trực thăng – đã tăng hơn 6% trên sàn Hồng Kông.

Tiêm kích 'Made in China' lập công lớn trên bầu trời Pakistan, cổ phiếu quốc phòng Trung Quốc tăng sốc - ảnh 1
Máy bay chiến đấu J-10C thuộc lực lượng không quân Trung Quốc

Tại Thâm Quyến, cổ phiếu AVIC Chengdu Aircraft thậm chí có lúc tăng vọt hơn 16%, chốt phiên sáng ở mức cao hơn 8,31% so với hôm trước. Trong phiên giao dịch hôm thứ Tư, cổ phiếu công ty này đã tăng tới 17,05% – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Cổ phiếu Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation) – đơn vị chế tạo cả tàu quân sự lẫn dân dụng – cũng nhích nhẹ 0,4%.

Ông Yang Zi, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định: “Pakistan là khách hàng lớn nhất của vũ khí Trung Quốc, bao gồm tiêm kích, hệ thống phòng không, tàu hải quân và UAV”.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hơn 60% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2020 đến 2024 đổ vào Pakistan.

Ông Seth Jones, Giám đốc bộ phận quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng cho rằng khả năng Pakistan sử dụng tiêm kích Trung Quốc là “rất cao”.

Trao đổi với CNBC, ông Yang nhận định cuộc xung đột mới đây đã “vô tình trở thành một minh chứng tích cực cho chất lượng vũ khí Trung Quốc”, khi máy bay và hệ thống phòng không của Pakistan đối đầu với các tiêm kích do Pháp và Liên Xô sản xuất của Ấn Độ.

Dù chưa rõ các cuộc tấn công diễn ra trên không hay thông qua tên lửa đất đối không, ông Yang cho rằng kết quả này cho thấy Pakistan đang sở hữu “khả năng tác chiến đáng kể với sự hậu thuẫn của Trung Quốc”.

Bộ trưởng Thông tin Pakistan, ông Attaullah Tarar, cho biết 5 chiếc máy bay của Không quân Ấn Độ đã bị bắn hạ khi tiếp cận không phận Pakistan. Tuy nhiên, phía Ấn Độ bác bỏ thông tin này, gọi đó là “tin giả”.

Thay vào đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố nước này đã tiến hành không kích vào chín địa điểm tại Pakistan và khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan kiểm soát – nơi được cho là căn cứ của các phần tử khủng bố nhắm vào Ấn Độ. Cuộc tấn công diễn ra sau vụ tấn công đẫm máu hồi tháng trước tại Pahalgam, Jammu và Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng.

“Chỉ là làn sóng nhất thời?”

Theo ông David Roche, chiến lược gia tại công ty Quantum Strategy, việc cổ phiếu quốc phòng Trung Quốc tăng giá mạnh “phản ánh kỳ vọng rằng nếu chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Pakistan, thay thế những tổn thất hiện tại”.

Trung Quốc và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1951, và từ sau Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh đã trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Islamabad, theo Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP).

“Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ chính trị bền chặt, quan hệ kinh tế lâu dài, và đặc biệt trong những năm gần đây là sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc,” ông Jones từ CSIS nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo đà tăng cổ phiếu hiện nay có thể chỉ là “hiện tượng nhất thời”.

Jones cho rằng cả Ấn Độ và Pakistan đều không muốn xung đột kéo dài, nhưng hiện “bóng đang nằm trong sân của Pakistan” – nước sẽ quyết định liệu có tiếp tục đáp trả đòn tấn công của Ấn Độ hay xem việc bắn hạ máy bay là chiến thắng vừa đủ.

Theo CNBC

>> Thỏa thuận dầu mỏ, chip AI và toan tính đổi tên cả một vùng biển: Ông Trump sắp vẽ lại bản đồ Trung Đông?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật