Phán quyết này đặt TikTok và ByteDance vào tình thế khó khăn, đồng thời có thể tạo thêm áp lực cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Với luật mới này, TikTok có thể bị xóa khỏi các ứng dụng cửa hàng và dịch vụ lưu trữ tại Mỹ nếu không đạt được yêu cầu thoái vốn.
TikTok cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ với lý do động thái trên sẽ gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của chính người dân “xứ cờ hoa”. Công ty khẳng định Tiktok sẽ không bị cấm, nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng đối với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Chính phủ Mỹ cáo buộc Tiktok thu thập dữ liệu người dùng nước này và cung cấp cho chính phủ Trung Quốc hoặc phát tán, truyền bá những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến người dân.
Hồi tháng 4, Tổng thống Biden đã ký ban hành đạo luật trong đó bắt buộc công ty thuộc sở hữu của ByteDance phải bán hết cổ phần công ty mẹ, nếu không sẽ bị cấm xuất hiện tại Mỹ.
Hội đồng ba thẩm phán tại Tòa phúc thẩm quận Columbia đã công nhận tính hợp hiến của luật, cho rằng việc TikTok được kiểm soát bởi ByteDance đặt mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tòa án bác bỏ các giải pháp thay thế mà TikTok đề xuất, khẳng định các mối lo chỉ được giải quyết nếu nền tảng này thay đổi chủ sở hữu.
Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland ca ngợi phán quyết, cho rằng đây là phải pháp hiệu quả bảo vệ dữ liệu của người Mỹ. Trong khi đó, những người ủng hộ TikTok chỉ trích quyết định của thẩm phán đã vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Patrick Toomey, Phó giám đốc Dự án an ninh quốc gia của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nhấn mạnh chính phủ không nên vội vàng đưa ra quyết định trừ khi có bằng chứng rõ ràng về mối nguy hiểm.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể can thiệp vào vụ việc này. Mặc dù từng nỗ lực cấm TikTok trong nhiệm kỳ trước, ông Trump gần đây đã thay đổi quan điểm, thậm chí còn mở tài khoản TikTok và thu hút hàng triệu người theo dõi. Ông cũng công khai phản đối lệnh cấm nền tảng này, cho rằng điều này chỉ mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh như: Meta, công ty mẹ của Facebook, vốn bị phe bảo thủ khai lực đàn áp nội dung cánh hữu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi ông Trump thay đổi quan điểm, việc ngăn chặn lệnh cấm hoặc sửa đổi luật sẽ không phải là điều dễ dàng.
TikTok đã trở thành một phần không thể thiếu tại nước Mỹ, với 170 triệu người dùng và doanh thu quảng cáo dự kiến đạt 15,5 tỷ USD vào năm 2025. Nền tảng này cũng mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù TikTok tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh pháp lý, khả năng chiến thắng vẫn là rất thấp. Nếu ByteDance không thể tìm được người mua hoặc không đồng ý bán, TikTok sẽ phải đối mặt với việc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ và các nhà cung cấp dịch vụ internet có thể bị phạt nặng nếu tiếp tục lưu ứng dụng này trong kho lưu trữ.
Trong trường hợp Tòa án Tối cao không thụ lý hoặc phán quyết không có lợi cho TikTok, đây có thể là dấu chấm hết cho sự hiện diện của ứng dụng này tại Mỹ, ít nhất là dưới sự kiểm soát của ByteDance. Ngược lại, nếu các vấn đề được giải quyết, TikTok có thể tiếp tục hoạt động và củng cố vị trí của mình trên thị trường.
>> TikTok nguy cơ bị cấm ở Mỹ: Mark Zuckerberg hưởng lợi nhiều nhất?