Ông Vladimir Putin và ông Donald Trump gặp nhau năm 2019. (Ảnh: Reuters) |
Theo nguồn tin, ông Trump và ông Putin đã điện đàm “trong những ngày gần đây”. Trước đó, ông Trump đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Tư (6/11).
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích quy mô hỗ trợ tài chính và quân sự của Washington cho Kiev, cam kết sẽ chấm dứt xung đột nhanh chóng, nhưng không nói rõ bằng cách nào.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 10/11 cho biết, nước này không được thông báo trước về cuộc gọi giữa ông Trump và ông Putin.
Steven Cheung, giám đốc truyền thông của ông Trump, nói: “Chúng tôi không bình luận về cuộc gọi riêng giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác”.
Đại sứ quán Nga tại Washington cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 sau khi đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Biden đã mời ông Trump đến Phòng Bầu dục vào ngày 13/11, theo Nhà Trắng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, thông điệp hàng đầu của ông Biden là cam kết đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Ông cũng sẽ nói chuyện với ông Trump về những gì đang diễn ra ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
“Tổng thống Biden sẽ có 70 ngày tới để thuyết phục Quốc hội và chính quyền sắp tới rằng Mỹ không nên rời xa Ukraine, rằng việc rời xa Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc có thêm bất ổn ở châu Âu”, ông Sullivan nói trên chương trình “Face the Nation” của CBS News.
Bình luận của ông Sullivan được đưa ra khi Ukraine tấn công Mátxcơva hôm 10/11 bằng ít nhất 34 máy bay không người lái. Đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất của Ukraine vào thủ đô của Nga kể từ khi xung đột bùng phát.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có yêu cầu Quốc hội thông qua luật cho phép cấp thêm tiền cho Ukraine hay không, ông Sullivan không trả lời.
“Tôi không ở đây để đưa ra một đề xuất cụ thể. Tổng thống Biden nhấn mạnh chúng ta cần các nguồn lực liên tục cho Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc”, ông Sullivan nói.
Washington đã cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, khoản tài trợ mà ông Trump đã nhiều lần chỉ trích và phản đối.
Năm ngoái, ông Trump nhấn mạnh xung đột ở Ukraine sẽ không bao giờ bùng phát nếu ông ở Nhà Trắng vào thời điểm đó. Ông nói với Reuters rằng, Ukraine có thể phải nhượng bộ lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, điều mà người Ukraine phản đối và Tổng thống Biden chưa bao giờ đề xuất.
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 7/11 cho biết, ông không nắm được bất kỳ thông tin chi tiết nào về kế hoạch chấm dứt xung đột nhanh chóng của ông Trump. Ông Zelensky tin rằng một kết thúc nhanh chóng sẽ đòi hỏi Kiev phải nhượng bộ.
Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ, Quốc hội Mỹ đã phân bổ hơn 174 tỷ đô la cho Ukraine dưới thời Tổng thống Biden. Tốc độ viện trợ gần như chắc chắn sẽ giảm dưới thời ông Trump, khi đảng Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ với 52 ghế.
Quyền kiểm soát Hạ viện trong Quốc hội khóa tới vẫn chưa rõ ràng khi một số phiếu vẫn đang được kiểm. Theo Edison Research, đảng Cộng hòa đã giành được 213 ghế, thiếu năm ghế trước khi đạt mốc 218 ghế cần thiết để giành quyền kiểm soát Hạ viện. Nếu đảng Cộng hòa giành được cả hai viện, thì phần lớn chương trình nghị sự của ông Trump sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty, một đồng minh của ông Trump và được coi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng, đã chỉ trích việc Mỹ tài trợ cho Ukraine trong một cuộc phỏng vấn của CBS.
“Người dân Mỹ muốn chủ quyền được bảo vệ tại Mỹ trước khi chúng ta chi tiền và nguồn lực của mình để bảo vệ chủ quyền của một quốc gia khác”, ông Hagerty nói.
>> Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội và ông Trump không bỏ rơi Ukraine