Trong một chiến dịch truy quét kéo dài 6 tháng, Cục Sở hữu Trí tuệ Thái Lan (DIP) đã thu giữ hơn 1,3 triệu mặt hàng giả mạo trong các cuộc đột kích tại Bangkok và các khu vực lân cận. Chiến dịch mạnh tay này đã dẫn đến 139 vụ kiện tụng, đánh dấu nỗ lực mạnh mẽ nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng giả vốn nổi tiếng lâu nay tại Thái Lan – nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á (chỉ xếp sau Indonesia).

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng”, bà Nusara Kanjanakul, Tổng Cục trưởng DIP cho biết. “Nó ảnh hưởng không chỉ đến an toàn của người tiêu dùng mà còn đến uy tín quốc tế của Thái Lan”.
>> Đột kích, bắt giữ 7 người, tịch thu hơn 89.000 gói Nescafé giả
Chiến dịch được phối hợp thực hiện cùng với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế (ECSD), các đơn vị cảnh sát khác và các tổ chức tư nhân bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các mục tiêu bị nhắm đến bao gồm các sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm ở trung tâm Bangkok và các điểm du lịch nổi tiếng lâu nay vốn là nơi tiêu thụ hàng giả tại Thái Lan.
Chỉ riêng 2 nền tảng trực tuyến lớn đã phải chịu trách nhiệm cho hơn 700.000 sản phẩm bị thu giữ, bao gồm kem dưỡng da không rõ nguồn gốc, vitamin giả, phụ kiện điện thoại và dầu gội, nhiều sản phẩm bị nghi chứa hóa chất độc hại và không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.



Trong các cuộc đột kích tại thủ đô Bangkok và một số tỉnh của Thái Lan, nhà chức trách còn phát hiện hơn 600.000 sản phẩm giả khác, bao gồm túi xách hàng hiệu nhái, quần áo, đồng hồ và thậm chí cả phụ tùng ô tô giả. Các đội thi hành công vụ đã đột kích vào 30 địa điểm nổi tiếng trong những trung tâm thương mại ở Bangkok, phát hiện nhiều gian hàng công khai bày bán sản phẩm nhái cho khách du lịch mà họ không hề hay biết.

“Các mặt hàng bất hợp pháp này thường được bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, điều đó nên là dấu hiệu cảnh báo cho người tiêu dùng”, bà Nusara nói. “Chúng tôi kêu gọi công chúng chỉ nên mua hàng từ các cửa hàng uy tín và người bán trực tuyến đáng tin cậy”.

>> Bắt giảng viên Đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ vì bán ma túy đá
Cảnh sát nhấn mạnh mức phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng buôn bán hàng giả. Hành vi vi phạm quyền nhãn hiệu có thể bị phạt tù tới 4 năm, phạt tiền lên tới 400.000 baht (gần 325 triệu đồng) hoặc cả hai.
Theo tờ Bangkok Post, hành vi vi phạm bản quyền có thể bị phạt nặng hơn, lên đến 4 năm tù và phạt tiền lên tới 800.000 baht (gần 650 triệu đồng).

Khi Thái Lan đang hướng đến quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và tăng cường quan hệ thương mại, Chính phủ nước này đang chịu áp lực phải chứng minh rằng họ thực sự nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong con mắt của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài.
Theo The Thaiger