Châu Âu ngày càng lo ngại về việc ai đang sở hữu các cảng biển của mình, trong bối cảnh các tập đoàn Trung Quốc mở rộng dấu ấn tại hàng loạt cửa ngõ hàng hải trọng yếu trên khắp Liên minh châu Âu (EU).
Ủy viên Giao thông vận tải EU, ông Apostolos Tzitzikostas, hôm thứ Năm đã kêu gọi các lãnh đạo ngành “xem xét lại vấn đề an ninh và đánh giá kỹ lưỡng hơn sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài” tại các cảng biển châu Âu.
Đây được xem là tín hiệu rõ ràng nhất từ Brussels cho thấy, những khoản đầu tư từng được coi là vô hại, giờ đang bị nhìn nhận như một rủi ro an ninh nghiêm trọng.

Sách trắng quốc phòng mới được Ủy ban châu Âu công bố gần đây cũng phản ánh quan ngại này, đề xuất siết chặt quyền sở hữu nước ngoài đối với “cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược”.
Lo ngại đó cũng xuất hiện trong một bản dự thảo nghị quyết của nhóm Xã hội & Dân chủ (S&D) tại Nghị viện châu Âu với lời kêu gọi tăng cường các quy định trong đợt sửa đổi tới của cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài của EU.
Dù cả ông Tzitzikostas lẫn nhóm S&D không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng thông điệp ẩn chứa thì không khó để nhận ra.
Theo nhà nghiên cứu Simon Van Hoeymissen thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Bỉ, những cảnh báo này rõ ràng đang nhắm đến sự hiện diện ngày càng lớn của Bắc Kinh tại các cảng chiến lược ở châu Âu – từ Antwerp-Bruges, Rotterdam cho đến Piraeus ở Hy Lạp.
Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc như COSCO, China Merchants và công ty Hutchison có trụ sở tại Hồng Kông hiện đang nắm cổ phần tại hơn 30 bến cảng trên toàn EU.
“Sự thật rất rõ ràng”, bà Ana Miguel Pedro, nghị sĩ Bồ Đào Nha thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhấn mạnh. Là thành viên nhóm liên ngành về biển đảo và vùng ven biển của Nghị viện châu Âu, bà cảnh báo rằng “các tác nhân nước ngoài do nhà nước điều phối, như Bắc Kinh, đang hành động với mức độ phối hợp và chủ đích vượt xa phản ứng phân tán của các quốc gia thành viên”.
Bà Pedro cho rằng COSCO không vận hành như một doanh nghiệp thị trường thông thường mà thực chất đang làm theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Việc hiện diện ngày càng sâu của họ tại các cảng biển không chỉ là mối lo kinh tế,” bà nói. “Đó là một điểm yếu chiến lược”.
Quan điểm này đang ngày càng được EU thừa nhận. Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (Ba Lan) nhận định: “Xung đột ở Ukraine cùng sự ủng hộ không chính thức của Trung Quốc dành cho Moscow chỉ càng khiến mối lo ngại về an ninh cảng biển EU thêm trầm trọng”.
Một ví dụ cụ thể đang diễn ra tại Ba Lan – cảng container Gdynia – nơi Hutchison đã nắm cổ phần suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi.
Dưới sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng yêu cầu loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi kênh đào Panama, Hutchison đang đàm phán bán danh mục cảng toàn cầu trị giá 23 tỷ USD (bao gồm 14 cảng tại châu Âu) cho một liên danh do BlackRock và Tập đoàn Vận tải Địa Trung Hải (MSC) dẫn đầu. Tuy vậy, thương vụ này đã bị đình trệ từ tháng 3 sau khi Bắc Kinh can thiệp.
Điều đáng chú ý ở Gdynia không chỉ là vai trò thương mại của nó mà còn là vị trí địa lý: sát bên cảng là căn cứ hải quân, xưởng đóng tàu và trụ sở lực lượng đặc nhiệm hải quân tinh nhuệ của Ba Lan. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai điều hành cảng cũng có thể tiếp cận trực tiếp với chuỗi hậu cần và hoạt động quân sự của EU và NATO.
Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược đó, chính phủ Ba Lan đã liệt kê cảng Gdynia vào danh sách cơ sở hạ tầng trọng yếu, buộc đơn vị vận hành phải phối hợp chặt chẽ với nhà nước về an ninh.
Trong bối cảnh ấy, lời cảnh báo của bà Pedro càng trở nên cấp bách – và là lý do vì sao EU đang khẩn trương xem xét lại sự tham gia của nước ngoài trong các cảng của mình.
“Nếu một đối thủ bên ngoài khai thác được lỗ hổng ở một cảng châu Âu, thì toàn bộ EU sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm”, bà nói. “Trong thế giới ngày nay, chúng ta không thể nhắm mắt chiến lược trong khi người khác hành động với sự tỉnh táo và toan tính rõ ràng”.
Theo Politico
>> Mỹ chặn cửa trước, lọt cửa sau: Trung Quốc vẫn ‘sống khỏe’ nhờ phần còn lại của thế giới