spot_img
28.6 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTrung Quốc âm thầm quay lại bán đảo Triều Tiên: Thương mại...

Trung Quốc âm thầm quay lại bán đảo Triều Tiên: Thương mại tăng vọt, hồi sinh tuyến tàu Bắc Kinh – Bình Nhưỡng

Tuyến tàu chở khách Bình Nhưỡng – Bắc Kinh chuẩn bị vận hành trở lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch nhằm thúc đẩy du lịch.

Hoạt động trao đổi kinh tế giữa Trung QuốcTriều Tiên đang gia tăng trở lại, trong bối cảnh tuyến tàu hỏa liên vận giữa hai nước chuẩn bị được khôi phục, và kim ngạch thương mại song phương trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên trong nửa đầu năm 2025 đạt 1,05 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Triều Tiên cũng tăng 20%, đạt 210 triệu USD.

Dù Bắc Kinh từng có thời gian giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng, nhưng trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang thể hiện thiện chí đối thoại với Triều Tiên, Trung Quốc nhiều khả năng muốn sử dụng thương mại như một công cụ để duy trì ảnh hưởng của mình đối với quốc gia láng giềng.

“Mặt hàng vật tư hoàn thiện nội thất có tốc độ xuất khẩu khá mạnh”, một quan chức thương mại Trung Quốc cho biết. Dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 5 cho thấy xuất khẩu giấy dán tường và đồ nội thất nhựa đã tăng gấp đôi hoặc hơn thế.

china-nk.jpg
Một chiếc xe tải băng qua biên giới giữa Đan Đông (Trung Quốc) và Triều Tiên. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2025. (Ảnh: Kohei Fujimura)

Triều Tiên hiện đang xây dựng một lượng lớn nhà ở như một phần trong nỗ lực tái thiết các khu vực chịu thiệt hại bởi lũ lụt hồi mùa hè năm ngoái, với các công đoạn hoàn thiện nội thất được đẩy mạnh từ đầu năm nay. Tháng trước, nước này cũng đã hoàn thành một khu nghỉ dưỡng ven biển có sức chứa 20.000 người. Nhiều khả năng, Trung Quốc đã cho phép vận chuyển vật tư xây dựng sang Triều Tiên theo yêu cầu từ phía Bình Nhưỡng, góp phần đẩy mạnh kim ngạch thương mại.

Bên cạnh hoạt động thương mại, du lịch và các hình thức giao lưu nhân dân khác cũng đang trên đà mở rộng.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm thứ Tư đưa tin rằng Cục Du lịch Quốc gia Triều Tiên đã đăng tải lịch trình hoạt động cho tuyến tàu chở khách giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh trên trang web chính thức. Tuyến tàu này đã bị tạm ngưng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trước đó, hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn 2020–2022 do ảnh hưởng của đại dịch. Sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách “Zero COVID” vào tháng 1/2023, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đã được nối lại vào mùa thu cùng năm. Tuy nhiên, trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã ghi nhận mức giảm theo năm trong 11/12 tháng. “Cuối năm 2023, giới chức Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát, khiến nhiều loại hàng hóa vốn trước đây nằm trong vùng xám giờ trở thành hàng cấm”, một quan chức thương mại khác cho biết.

Sự thay đổi này phản ánh mức độ ngờ vực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc từng sử dụng hỗ trợ kinh tế như một công cụ duy trì ảnh hưởng với Triều Tiên, nhằm ngăn chặn nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân có thể gây bất ổn cho bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kể từ năm 2023, Triều Tiên đã tăng cường hợp tác quân sự với Nga sau khi Moscow đưa quân tới Ukraine, đồng thời đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trước những diễn biến này, Trung Quốc đã dần giữ khoảng cách để tránh bị cuốn vào các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Tuy nhiên, hiện tại, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng liên tiếp trong 6 tháng qua.

“Mỹ và Hàn Quốc đang thể hiện thiện chí đối thoại với Triều Tiên, nên Trung Quốc không muốn bị tụt lại phía sau”, một nguồn tin có liên quan đến hoạt động ngoại giao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng nhận định.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt hồi tháng 6 cho biết Tổng thống Donald Trump “vẫn sẵn sàng tiếp tục trao đổi” với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã gặp ông Kim ba lần trong giai đoạn 2018–2019.

Trong bài phát biểu nhậm chức tháng trước, tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung khẳng định mong muốn “mở lại các kênh liên lạc với Triều Tiên và xây dựng hòa bình trên bán đảo thông qua đối thoại và hợp tác” — đánh dấu sự chuyển hướng khỏi lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Yoon Suk Yeol.

Trung Quốc hiện cũng đang tiếp nhận thêm nhiều lao động Triều Tiên được cử ra nước ngoài nhằm kiếm nguồn ngoại tệ cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Khoảng 2.000 lao động đã được cử đến tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc kể từ đầu năm nay, theo một nguồn tin Trung Quốc tham gia vào quá trình tuyển dụng. Một nguồn tin khác cho biết khoảng 400 người đã đến thành phố Đan Đông — một trung tâm lớn về lưu thông hàng hóa và con người giữa hai nước — vào đầu tháng 5. Các nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong các nhà máy may mặc và một số lĩnh vực khác.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng thông qua nghị quyết vào năm 2017 cấm các quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên làm việc và kêu gọi các nước thành viên, bao gồm cả Trung Quốc, tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, theo một nguồn tin trong ngành sản xuất của Trung Quốc, nhóm lao động mới được tiếp nhận này được cho là đang làm việc theo hình thức “chuyển giao công nghệ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiến, phát biểu trước báo giới hôm thứ Năm rằng Trung Quốc vẫn tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến Triều Tiên và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế của mình.

Theo Nikkei Asia

>> Nga – Triều Tiên khai trương chuyến bay thẳng đầu tiên giữa 2 thủ đô

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật