Các doanh nghiệp Thái Lan dự kiến sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (gần 29,8 triệu USD) do lệnh cấm nhập khẩu xi-rô đường và bột pha sẵn của Trung Quốc, với các lô hàng bị mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc từ quốc gia Đông Nam Á này, theo một nhóm ngành công nghiệp này cho biết.
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu xi-rô và bột đường trộn sẵn từ Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới – vào tháng 12 năm 2024 vì lo ngại về vệ sinh nhà máy.
>> Dân Trung Quốc phớt lờ cảnh báo an ninh, đổ xô đến châu Phi do ‘cơn sốt vàng’
“Ban đầu, chúng tôi ước tính thiệt hại ở mức 300 đến 400 triệu baht, nhưng hiện tại con số này phải lên tới 1 tỷ baht”, ông Todsaporn Ruangpattananont, Chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm Đường Thái Lan nói với hãng thông tấn Reuters.
Ông Todsaporn, người đại diện cho Hiệp hội 44 nhà máy đường chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc cho biết ông đã viết thư cho Chính phủ Thái Lan để đẩy nhanh quá trình đàm phán với chính quyền Trung Quốc. “Đường đang ở cảng Trung Quốc, chúng tôi phải nộp phạt hàng ngày”, ông nói.
Theo công ty dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow, Thái Lan là nhà cung cấp đường lỏng chính của Trung Quốc vào năm ngoái với lượng hàng xuất khẩu hơn 1,2 triệu tấn.
Lệnh cấm đã tác động đến giá cả toàn cầu vào đầu tháng này, với giá đường trắng tương lai trên sàn giao dịch ICE ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.
>> Mỹ tiếp tục áp thuế: Liệu có ‘gậy ông đập lưng ông’?
Ông Todsaporn tin rằng nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm này là chính quyền Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất đường trong nước do lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan ngày càng tăng.
“Việc (Trung Quốc) đưa ra tuyên bố về chất lượng đường của chúng tôi là hoàn toàn vô nghĩa. Trước đây, chưa bao giờ có bằng chứng về vấn đề chất lượng sản phẩm của chúng tôi”, Chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm Đường Thái Lan nói.
Các quan chức Thái Lan cho biết tuần trước rằng chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Thái Lan kiểm tra hàng chục nhà máy trước khi mở đàm phán dỡ bỏ lệnh cấm vì lo ngại về vệ sinh nhà máy.
Hai quan chức Thái Lan nói với Reuters rằng Chính phủ đã gửi danh sách các nhà máy Thái Lan có giấy phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA), cùng với thông tin chi tiết về các quy định an toàn thực phẩm hiện hành, tới Trung Quốc vào ngày 14/1.
Các quan chức này từ chối nêu tên vì họ không được phép phát biểu với giới truyền thông.
Ông Rangsit Hiangrat, Giám đốc Tập đoàn Đường Thái Lan, đơn vị sở hữu 46 nhà máy đường trên toàn quốc, cho biết Tập đoàn của mình cũng đã thúc giục Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh các cuộc đàm phán.
“Các nhà máy đường của Thái Lan đã đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu ra thế giới”, ông nói và cho biết thêm rằng nhiều nhà máy đã sẵn sàng để thanh tra.
Theo ông Todsaporn, nếu lệnh cấm không được dỡ bỏ, nhu cầu về đường của Thái Lan có thể giảm 1 triệu tấn trong năm nay – tương đương với lượng đường được sử dụng để làm xi-rô đường và bột đường trộn sẵn, hỗn hợp đường và các thành phần thực phẩm khác vào năm ngoái.
“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Chúng tôi sẽ không mua thêm đường vì kho của chúng tôi đã quá tải”, ông nói.
Theo Bangkok Post