Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các chuyên gia y tế Trung Quốc dẫn đầu vừa công bố một phát hiện quan trọng có thể mở đường cho phương pháp điều trị bệnh viêm gan B, căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 250 triệu người trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất.
Các nhà khoa học phát hiện rằng xalnesiran, một phân tử RNA can thiệp nhỏ, khi sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc điều hòa miễn dịch (loại thuốc cải thiện chức năng của hệ miễn dịch) có thể chữa khỏi khoảng 1/3 số bệnh nhân viêm gan B trong nghiên cứu.
Theo họ, tỷ lệ này là một “bước tiến đáng kể” mà cộng đồng y khoa và lâm sàng đã nỗ lực đạt được trong gần một thập kỷ qua.
Nghiên cứu quan trọng
Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm của giáo sư Hou Jinlin từ bệnh viện Nanfang thuộc đại học Y Nam Phương tại Quảng Châu và chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong từ bệnh viện Huashan thuộc Đại học Fudan tại Thượng Hải. Kết quả được công bố vào ngày 5/12 trên Tạp chí Y học New England (NEJM).
Chuyên gia cho hay, viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan mãn tính do virus viêm gan B (HBV) gây ra và có thể tồn tại mà không có triệu chứng trong nhiều thập kỷ. Nhiều bệnh nhân không biết mình bị nhiễm virus cho đến khi gan bị tổn thương nghiêm trọng.
Ước tính khoảng 15 – 40% bệnh nhân không được điều trị có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Virus HBV rất khó chữa khỏi hoàn toàn vì nó có khả năng “ẩn náu” trong tế bào gan bằng cách tích hợp vào hệ gen của người. Các thuốc kháng truyền thống có thể ngăn chặn virus lan rộng và kiểm soát bệnh, nhưng không thể loại bỏ HBV hoàn toàn. Phần lớn bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời.
Khoảng 10 năm trước, một số nhà khoa học hàng đầu về HBV đã bắt đầu thúc đẩy kế hoạch hành động tập trung vào mục tiêu chữa bệnh. Theo tạp chí Nature, vào năm 2022, gần 50 liệu pháp đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Trong nghiên cứu về HBV, “chữa khỏi” không đồng nghĩa với loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể – điều này có thể không khả thi. Thay vào đó, “chữa khỏi chức năng” được định nghĩa là tình trạng không còn phát hiện protein HBV và vật liệu di truyền của virus trong máu ít nhất 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.
Kết quả lâm sàng khả quan
Thử nghiệm giai đoạn 2 được thực hiện trên 159 bệnh nhân nhiễm HBV mãn tính. Các nhà nghiên cứu muốn đánh giá liệu pháp mới có đạt tỷ lệ chữa khỏi chức năng cao hơn so với các phương pháp điều trị hiện tại – thường dưới 10% – và mức độ an toàn sau 48 tuần điều trị.
Kết quả cho thấy, trong số 124 bệnh nhân được điều trị, 40 người (32%) đã ngừng sử dụng thuốc kháng virus sau điều trị, tức là họ đạt trạng thái chữa khỏi chức năng.
Bệnh viện Nam Phương cho biết, chiến lược điều trị mới này “đã nâng tỷ lệ chữa khỏi viêm gan B lần đầu tiên vượt ngưỡng 30%”.
Triển vọng và thách thức
Hai chuyên gia về bệnh gan là Harry Janssen từ trung tâm y tế Đại học Erasmus (Hà Lan) và Milan Sonneveld từ bệnh viện Đa khoa Toronto (Canada) nhận định, kết quả nghiên cứu “mở ra kỷ nguyên mới cho liệu pháp kết hợp trong điều trị HBV mãn tính”.
Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng liệu pháp này còn nhiều hạn chế. Một trong những vấn đề là nguy cơ tái phát, khi 16 trong số 40 bệnh nhân chữa khỏi đã phải quay lại sử dụng thuốc kháng virus truyền thống.
“Hướng đi trong tương lai có thể là thử nghiệm các phác đồ điều trị thay thế để tăng khả năng phản ứng”, họ nói.
Theo SCMP